Một nhiệm vụ quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp là tìm người đứng ra tổ chức BTTM và đảm nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giới thiệu và đề nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Hoàng Văn Thái và được Người đồng ý.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu. Ảnh: internet |
Ngày 7-9-1945, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức cơ quan tham mưu quân đội cho đồng chí Hoàng Văn Thái. Trong buổi giao nhiệm vụ này có đồng chí Võ Nguyên Giáp-Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói (đại ý): Ta vừa giành được độc lập, tự do, cả nước đang tích cực xây dựng quân giải phóng và tự vệ để cùng toàn dân giữ độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức Bộ Quốc phòng, nay Đoàn thể lập Cơ quan Tham mưu để chỉ huy, điều hành LLVT trong cả nước. BTTM là cơ quan cơ mật của Đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ: Tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thống nhất, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Người căn dặn thêm: Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm, vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được… Có Đoàn thể lãnh đạo, nhất định chúng ta làm được. Và “thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc...
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Văn Thái đã tích cực, khẩn trương bắt tay vào việc tổ chức, xây dựng cơ quan theo tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Ngay sau khi thành lập, cơ quan BTTM được xây dựng trên tinh thần vừa học, vừa làm, hình thành dần tổ chức, biên chế đáp ứng yêu cầu tổ chức, xây dựng quân đội nhân dân đủ sức chỉ huy, chỉ đạo các LLVT đối phó có hiệu quả với âm mưu xâm lược trở lại của thực dân Pháp.
Cùng với việc thành lập các bộ phận của cơ quan như: Tác chiến, Quân lực, Đồ bản, Tình báo, Thông tin liên lạc quân sự, Mật mã, Quân nhu, Văn phòng và Đội vệ binh…, BTTM đã tiến hành nhiều công tác cấp bách như: Chỉ đạo xây dựng và phát triển LLVT nhân dân; tổ chức bộ đội Nam tiến để chi viện cấp tốc cho các chiến trường nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng; chỉ đạo đấu tranh buộc Pháp thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và quan trọng hơn là chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần “vừa học, vừa làm”, BTTM đã chỉ đạo các LLVT cùng toàn dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Miền Bắc được giải phóng và đi lên xây dựng CNXH nhưng đồng bào miền Nam vẫn ngập chìm trong đau thương dưới gót giày của kẻ thù xâm lược. Sứ mệnh lịch sử lại một lần nữa đặt ra những yêu cầu mới đối với BTTM. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, BTTM đã xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ cho toàn quân, thể hiện trong việc quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ xây dựng quân đội ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 12 (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp vào hạ tuần tháng 3-1957, bàn về vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Theo đó, nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới là bảo vệ hòa bình và tiến hành công cuộc xây dựng miền Bắc tiến dần lên CNXH, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trên cả nước, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Phương châm xây dựng là: Tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa. Nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng phải là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, BTTM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng với những nội dung mới, phương pháp mới, đủ sức đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra trên cả hai miền Nam, Bắc, để thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy quân đội tác chiến trên các chiến trường, BTTM đã được tổ chức, kiện toàn, xây dựng theo hướng đáp ứng yêu cầu nhanh, đầy đủ, hiệu quả của cuộc kháng chiến. Bên cạnh việc tổ chức các quân khu, các bộ tư lệnh quân chủng, binh chủng trên miền Bắc; trên chiến trường miền Nam, sau khi có Nghị quyết 15, đã chia thành hai chiến trường là B1 và B2, rồi sau đó là B3, B4, B5. Khi đó, tình thế cách mạng xuất hiện, BTTM đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức các chiến dịch lớn trên các chiến trường, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điều này được thể hiện rõ trong việc BTTM giữ vai trò quan trọng triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương về tác chiến trên khắp các chiến trường, giúp Quân ủy và Bộ Quốc phòng thực hiện có hiệu quả công cuộc bảo vệ miền Bắc, chỉ đạo chuyển phương thức đấu tranh ở miền Nam và chỉ đạo tác chiến trực tiếp đến các chiến trường.
Cùng với việc liên tiếp giành được những thắng lợi trên chiến trường miền Nam, với sự chỉ đạo hết sức linh hoạt và sáng tạo, BTTM đã chỉ huy các LLVT và nhân dân đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, tạo nên cơn chấn động lớn làm thay đổi cục diện trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thời cơ lớn đã xuất hiện. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị: Giải phóng miền Nam ngay trong mùa khô năm 1975, BTTM đã cùng với toàn quân tiến hành cuộc Tổng tiến công lịch sử Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Gắn liền với lịch sử xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân, trong những năm gần đây, phát huy truyền thống “Trung thành mưu lược, tận tụy sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, quyết chiến, quyết thắng” cán bộ, sĩ quan, QNCN, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ của BTTM đã đoàn kết đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho. Trong đó nổi bật là các cấp ủy đảng, tổ chức đảng các cấp đã quán triệt, nắm vững và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của cơ quan; nắm chắc tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu chiến lược; đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý kịp thời, khôn khéo, linh hoạt những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, duy trì môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị, tiềm lực quốc phòng-an ninh ngày càng được tăng cường. Cùng với đó, BTTM đã tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo và trực tiếp chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tạo sự chuyển biến toàn diện cả về nhận thức và hành động; tham mưu, đề xuất thực hiện tốt kế hoạch, chương trình, đề án, dự án nâng cao tiềm lực quốc phòng; đổi mới phương thức bảo đảm vật chất, nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần quan trọng xây dựng Quân đội nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ đã giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong giải quyết các tình huống đột xuất về quân sự-quốc phòng và thiên tai. Công tác nghiên cứu lý luận nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ… đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên của BTTM luôn phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu ở một cơ quan tham mưu chiến lược; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tích cực chủ động học tập, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Những kết quả đạt được trên vừa có tính kế thừa, vừa thể hiện sự sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, người chỉ huy ở BTTM. Đó vừa là thành tích, những đồng thời cũng chính là bài học kinh nghiệm quý giá để BTTM phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhưng hòa bình, hợp tác, phát triển đang là xu thế chủ đạo, tạo nên cơ hội và thách thức đan xen. Các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ, lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tăng cường chống phá cách mạng nước ta; đặt sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đứng trước nhiều vận hội nhưng cũng không ít thách thức. Yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng ngày càng cao. Những vấn đề nêu trên đặt ra những yêu cầu mới trong xây dựng BTTM. Theo đó, trước hết và xuyên suốt là mỗi cán bộ, đảng viên; mỗi tổ chức đảng và người chỉ huy ở từng cơ quan, đơn vị thuộc BTTM tiếp tục quán triệt và nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để thực hiện tốt chức năng chủ trì tham mưu chiến lược; đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng trong hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách, pháp luật về quân sự-quốc phòng; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp.
Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, đặc biệt là tình hình trên các địa bàn trọng yếu, kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất xử lý chính xác, đúng đắn, khôn khéo các tình huống, không bị động, bất ngờ về mọi mặt. Duy trì nghiêm chế độ SSCĐ. Nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung các quyết tâm, phương án tác chiến và kế hoạch phòng thủ trên cả nước, từng hướng chiến lược và của từng đơn vị. Hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch thiết bị chiến trường giai đoạn 2010-2015. Hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến chiến lược và xây dựng kế hoạch hiệp đồng. Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, tổ chức các cuộc diễn tập… Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới toàn diện, đồng bộ chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, vững chắc, sát thực tế”. Chỉ đạo và thực hiện nghiêm đề án tổ chức Quân đội nhân dân đến năm 2015. Hoàn thành tốt các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu chiến lược do Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao cho; đồng thời nghiên cứu hướng tập trung vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra…
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nặng nề trên, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ của BTTM phải không ngừng nỗ lực phấn đấu. Trong đó, trọng tâm là đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu phải luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm, học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ; đồng thời quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng, nắm vững mục tiêu, yêu cầu xây dựng LLVT nhân dân trong thời kỳ mới; nỗ lực phấn đấu, chủ động, tích cực trong theo dõi nắm bắt tình hình; nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch chiến lược, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài quân đội, chỉ đạo tổ chức thực hiện và hướng dẫn triển khai, kiểm tra đôn đốc với các đơn vị, hoàn thành tốt chức năng tham mưu chỉ huy quân sự và quản lý Nhà nước về quốc phòng, góp phần cùng toàn quân và toàn dân giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng và sự nghiệp đổi mới./.
Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên,
UVTW Đảng, UV Thường vụ Đảng ủy Quân sự TW,
Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
(Theo QĐND)