Ngày 25/8, tại thành phố Đà Lạt, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023, những tháng đầu năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lâm Đồng, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển tích cực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 5,63%; 6 tháng năm 2024 đạt 2,97%. Quy mô GRDP năm 2023 đạt 115.800 tỷ đồng (xếp thứ 45/63 địa phương); GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng/người - cao nhất vùng Tây Nguyên. Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt 13.100 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7.900 tỷ đồng.
Du lịch tiếp tục đóng vai trò ngành động lực, tổng lượt khách du lịch năm 2023 đạt 8,65 triệu lượt khách; 7 tháng năm 2024 đạt 940.000 nghìn lượt khách (tăng 8%). Tỉnh đi đầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 245 triệu đồng/ha; có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Lâm Đồng cũng tập trung cải cách hành chính, nhất là rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy; đời sống của người dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,16%.
Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để phát sinh các "điểm nóng"; chú trọng thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo, xử lý kịp thời các vi phạm.
Công tác xây dựng Đảng tập trung vào củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến; thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp vào thành tựu, sự phát triển chung của cả nước.
Thủ tướng cho rằng thời gian qua, ngoài những khó khăn, thách thức chung của cả nước, Lâm Đồng còn có những khó khăn, thách thức riêng, như đầu năm gặp hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; tháng 4, tháng 5 nhiều mưa lũ, sạt lở; một số tổ chức Đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật… Tuy nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt kết quả tích cực như các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra.
Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả, thành tựu rất cơ bản, Lâm Đồng còn những khó khăn, hạn chế, thách thức cần quan tâm tháo gỡ, xử lý, giải quyết.
Năm 2023, có 4/18 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch đề ra (tăng trưởng GRDP, cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tỉ lệ che phủ rừng). Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Năng lực cạnh tranh giảm sút so với trước; thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu đề ra; giải ngân vốn đầu tư chậm...
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng... còn những sai sót, bất cập; thiên tai diễn biến phức tạp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.
Thủ tướng và các đại biểu cho rằng trong giai đoạn tới, Lâm Đồng còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá.
Thủ tướng nhấn mạnh, Lâm Đồng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, là trung tâm giao thương, đầu mối kết nối 03 vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung; kết nối với các thành phố lớn trong nước và quốc tế qua đường không.
Với diện tích xếp thứ 7 cả nước (9.781 km2), địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa là thế mạnh phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (hiện có hơn 66,8 nghìn ha, chiếm 20,3% đất canh tác); nguồn nước phong phú với mạng lưới sông, suối, hồ khá dày đặc; có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng (rau, hoa, cà phê, chè, sầu riêng, dược liệu, thủy sản nước lạnh…).
Lâm Đồng có tiềm năng phát triển du lịch lớn với thiên nhiên đẹp, nhiều thắng cảnh nổi tiếng (hồ Xuân Hương, thung lũng Tình yêu, đồi Mộng mơ, hồ Tuyền Lâm…); Đà Lạt là thành phố festival hoa, thành phố sáng tạo về âm nhạc, nhiều di sản kiến trúc. Văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc của 47 dân tộc, nhiều di sản văn hóa quý (văn hóa cồng chiêng; Mộc bản Triều Nguyễn; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang).
|
|
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện 3 đột phá mang tính đặc thù với địa phương |
Tỉnh cũng có lợi thế phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản (bauxite, alumin, nhôm); đã hình thành 3 khu công nghiệp (Phú Hội, Lộc Sơn, Phú Bình).
Hệ thống giao thông của tỉnh khá thuận lợi, khá đồng bộ với khoảng 9.300 km đường bộ và đường hàng không với sân bay Liên Khương...
Lâm Đồng có nguồn nhân nhân lực khá dồi dào với dân số khoảng 1,33 triệu người; hệ thống giáo dục-đào tạo phát triển với nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề, viện nghiên cứu.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong đó có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.
Từ đó, nỗ lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024 và cả nhiệm kỳ; các mục tiêu sẽ đạt được thì tiếp tục đẩy mạnh, cố gắng cao hơn, các mục tiêu chưa đạt được phải cố gắng nhiều hơn, phấn đấu đạt bằng được, các mục tiêu gặp khó khăn cần phải có giải pháp đột phá.
Về quan điểm, tư duy, phương pháp luận, Thủ tướng nhấn mạnh phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; sơ kết, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không né tránh; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, đặc biệt là trong đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, xóa bỏ cơ chế xin-cho, môi trường phát sinh tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu. Chú trọng liên kết vùng, lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng ổn định đội ngũ lãnh đạo các cấp, chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong Nhân dân để tăng tốc, bứt phá, đạt hiệu quả cao hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, phát triển tỉnh nhanh, bền vững. "Càng khó khăn, áp lực càng phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên, khẳng định bản lĩnh, tận tụy, gương mẫu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nhân lực) mà Đảng, Nhà nước đã xác định, Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng tập trung thực hiện 3 đột phá mang tính đặc thù với địa phương.
Thứ nhất, đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp là hai lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn.
Thứ hai, đột phá phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí.
Thứ ba, dành thời gian nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, ưu đãi để huy động mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp để phát triển nhanh bền vững, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu…