Trước hết cần khẳng định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng, đã được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ năm 2013. Bên cạnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì đây được coi là vấn đề rất lớn phải thực hiện, nhất là trong điều kiện nước ta còn nghèo.
Thậm chí, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn trầm trọng hơn, lớn hơn tham nhũng. Vì vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được hết sức coi trọng, phải thực hiện theo luật định.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2544/QĐ-TTg (ngày 30/12/2016) về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 cũng như có chương trình hàng năm; các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành chương trình cụ thể… Qua đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được những kết quả quan trọng, biểu hiện rõ nhất trong tiết kiệm chi thường xuyên hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Vấn đề xử lý các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém cũng được yêu cầu cần làm rõ hơn trong Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020
Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tuần qua và là nội dung trong chương trình nghị sự của Quốc hội tới đây. Cơ quan thẩm tra cũng như các ý kiến ghi nhận nhiều điểm tích cực trong công tác chỉ đạo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ như ban hành chương trình thực hiện sớm hơn so với năm trước; có nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các vấn đề lớn, quan trọng; xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính... tạo tiền đề thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các con số thống kê cũng cho thấy tín hiệu đáng mừng: 117 cơ quan đơn vị (34 bộ ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỉ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 50.628 tỷ đồng, còn tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp là hơn 34.000 tỉ đồng. Nhiều nơi đạt kết quả tốt, tiết kiệm được nhiều nhất cũng được xướng tên như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam với 15.755 tỉ đồng, Hà Nội đạt hơn 10.287 tỉ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hơn 6.558 tỉ đồng...
Việc đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế là một điểm sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tất nhiên, bên cạnh kết quả tích cực thì vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Điều đáng chú ý là báo cáo năm nay cũng như các năm trước vẫn bị đánh giá là còn chung chung. Báo cáo vẫn chưa nêu bật được thành tích lớn nhất trong năm 2020 là gì, tiến bộ gì so với trước đây. Tồn tại, hạn chế, yếu kém cũng được chỉ ra chung chung, thiếu địa chỉ và thiếu tính phản biện.
Điều đó rõ ràng chưa bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ở đâu tốt phải khen, bộ ngành nào, địa phương nào làm tốt, mô hình nào hay phải nhân rộng; bộ ngành nào yếu kém, địa phương nào sai phạm phải phê bình, kỷ luật, rất rõ ràng và minh bạch.
Điều đáng lưu tâm hơn chính là vấn đề kỷ luật, kỷ cương. Luật đã định, Chính phủ chú trọng ban hành sớm Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ đầu năm (23/1/2020) nhưng một số tỉnh, bộ đến tháng 4, tháng 5/2020, thậm chí có nơi đến tháng 9 mới ban hành chương trình.
Thậm chí, khi Chính phủ tổng hợp báo cáo còn 2 tỉnh, thành chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả. Một số bộ, ngành chưa thực hiện chấm điểm theo quy định. Đó là chưa kể nhiều nơi thực hiện chưa đúng, chưa đủ gây lãng phí hay còn để xảy ra sai phạm gây thất thoát, bị xử lý hình sự dẫn đến “mất tiền, mất cán bộ”.
Hay tình trạng chây ỳ trả việc trả lại trụ sở cũ dù nêu ra nhiều lần, thậm chí “điểm danh” cụ thể nhưng hiện tại “có Bộ, cơ quan Trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng mà chưa nêu rõ lý do”.
Tại sao tồn tại, hạn chế nêu trên vẫn bị “gọi tên” khi bàn thảo báo cáo thường niên về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí? Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là công tác triển khai chỉ đạo tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực hiện hiệu quả. Chính vì vậy, việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật là yêu cầu được đặt ra để chấn chỉnh.
Nhấn mạnh Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải được thảo luận với thời gian tương xứng, đúng với tầm quan trọng của vấn đề này thay vì chỉ gửi đến các đại biểu Quốc hội, thậm chí cần thiết sẽ truyền hình, phát thanh trực tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện theo hướng cụ thể hơn, sát thực tiễn hơn. Hy vọng khi đó, đại biểu Quốc hội và cử tri sẽ thấy rõ hơn lãng phí xảy ra chỗ nào và tiết kiệm ở những nơi đâu./.
Theo VOV.VN