Lễ Vu Lan - Bài học về chữ Hiếu

Thứ ba, 24/08/2010 10:28
Những ngày này, gia đình Việt Nam nào cũng đều chăm lo cho cho ngày lễ trọng trong năm, đó là Rằm tháng Bảy âm lịch. Giới tăng ni Phật tử thường gọi Rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu Lan.  

Ảnh minh họa


Đây là một đại lễ báo hiếu ông bà, cha mẹ đã khuất - một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ người trồng cây”.  Rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. 

Gọi là rằm tháng 7, nhưng ở các gia đình hoặc các chùa, lễ Rằm tháng 7 có thể được tổ chức suốt từ mùng 10 âm lịch. Với những địa phương miền Trung hoặc miền Nam, ngày lễ này mang lại những bài học cuộc sống không bao giờ cũ: Bài học về chữ hiếu.

Ảnh minh họa


Tại chùa Bảo Lâm, tỉnh Phú Yên, trong những đêm của mùa trăng tháng bảy, các gia đình phật tử và nhiều khách xa gần đã có mặt đông đủ. Cũng dễ hiểu vì tháng 7 là mùa báo hiếu, và ở không gian này, người ta mới có dịp suy ngẫm về cuộc sống, về cha mẹ và về chính mình.

 

Hai đoá hoa hồng màu trắng và màu đỏ hiện diện ở sân chùa cùng những triết lý sâu sắc mà gần gũi. Đêm lễ Vu Lan ở chùa là sự tiếp nối những câu chuyện về chữ hiếu. 

      

Phần chờ đợi nhiều nhất của đêm lễ chùa Vu Lan vẫn là giây phút được cài bông hồng lên áo. Nụ cười ấm áp của những người được cài lên áo hoa màu đỏ, nỗi buồn sâu lắng của những người cài hoa hồng trắng - những người đã mất mẹ. Dù  đoá hoa màu nào thì cũng đưa mọi người về với miền ký ức mà ở đó, mỗi người con trưởng thành đánh đổi bằng cả sự nhọc nhằn suốt năm dài tháng rộng của mẹ cha.

      

Không rườm rà với lễ cúng nhiều vàng mã, chỉ giản dị là một đêm để gặp nhau, cùng nhớ về mẹ cha. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đã khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng hơn.

Ảnh minh họa


Tỳ kheo Thích Nguyên Từ, Trụ trì chùa Bảo Lâm, tỉnh Phú Yên phát biểu: "Khi nhịp sống tất bật, truyền thống gia đình không tránh khỏi tác động, thì tháng Vu Lan báo hiếu như là sự thức tỉnh trong con người về điều thiêng liêng nhất, đó tình cảm gia đình, là chữ hiếu vốn gắn chặt với văn hoá Việt. Sự thiêng liêng ấy càng đậm chất hơn nếu như việc làm hiếu thảo là việc của mỗi ngày, chứ không riêng tháng Vu Lan. Và sự thiêng liêng nhất hướng về mẹ cha, không phải ở những lễ báo hiếu cầu kỳ tốn kém, mà chính nằm trong sâu thẳm của mỗi người".

 

Theo vtv.vn

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra