Liệu “tự nguyện” có thực sự là tự nguyện?

Thứ sáu, 20/08/2010 16:18
Dưới hình thức “phụ huynh tự nguyện đóng góp”, nhiều trường dân lập hệ tiểu học đang thu thêm trên mỗi đầu học sinh từ 1,5 đến hơn 2 triệu đồng. Các khoản thu thêm được ghi vắn tắt là “tiền đầu năm”, được giải thích là tiền xây dựng trường, tiền sửa sang, mua sắm trang thiết bị vật chất cho các lớp học...

Bên cạnh đó là nhiều khoản mà phụ huynh thấy không thực sự thiết thực, thậm chí lãng phí như tiền liên hoan, biểu diễn văn nghệ; trang phục biểu diễn; chi phí quản lý sổ liên lạc điện tử...

 

Thu tiền đồng phục từ nhà trẻ, mẫu giáo

 

Mới đây, câu chuyện về một trường mầm non yêu cầu các phụ huynh học sinh mua đồng phục để phục vụ dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long đã khiến cho dư luận không khỏi bất bình về những việc làm tuỳ tiện của các trường học hiện nay. Theo thông báo của trường Mầm non Xuân Đỉnh A được dán tại cửa các lớp trẻ mẫu giáo trong dịp đầu năm học, các lớp bé mua 2 bộ đồng phục hè-thu với giá 170 nghìn đồng/2 bộ; Mẫu giáo nhỡ 180 nghìn đồng/2 bộ; Mẫu giáo lớn 190 nghìn đồng/2 bộ.

Một phụ huynh có con học ở đây phản ánh:  “Các cô giáo nói nhà trường không ép phụ huynh mua đồng phục cho con, nhưng dán thông báo lên cửa lớp cho phụ huynh biết, liệu có phụ huynh nào dám không đóng tiền? Tôi biết rất nhiều phụ huynh không hài lòng về cách làm này của nhà trường nhưng do mọi người có tâm lý sợ con mình đang học ở đó, không bỏ tiền ra mua cũng ngại nên hầu như ai cũng tặc lưỡi cho qua”. Số tiền gần 200 nghìn đồng cho đồng phục của trẻ mẫu giáo thực tế là sự lãng phí và không cần thiết đối với không ít phụ huynh, nhất là những công nhân viên chức. Chỉ riêng khoản tiền đóng học hàng tháng cho con đối với họ đã là một mối lo, nay lại còn phải lo đóng thêm tiền đồng phục. Mỗi một khoản thu “sáng tạo” thêm của nhà trường lại biến thành nỗi sợ hãi của phụ huynh.

Ảnh minh họa: Vietnamnet


Phải đóng tiền xây dựng trường và biểu diễn văn nghệ

 

Chị Thu Giang có con đang theo học ở một trường tiểu học dân lập khá nổi tiếng ở Hà Nội bực bội khi phải đóng hơn 2 triệu đồng các khoản tiền đầu năm học được coi như là tiền xây dựng nhà trường. Mặc dù đã xác định cho con theo trường dân lập học phí cao hơn các trường công lập nhưng việc phải đóng thêm các khoản tiền đầu năm học khiến cho bố mẹ học sinh ở đây cảm thấy bị “moi” thêm tiền. Nhà trường diễn giải rất nhiều khoản thu như duy tu bảo dưỡng phòng học, trang bị thiết bị dạy học… rồi nhiều khoản như biểu diễn văn nghệ, đi chơi dã ngoại hay tiền photo tài liệu học tập, sinh hoạt đội…, trong đó có những khoản có tính chất vi phạm quyền lựa chọn của học sinh và phụ huynh học sinh. Chị Giang hỏi: “Nếu cháu không tham gia chẳng lẽ cũng phải đóng góp?”. Hơn thế nữa, những khoản chi như vậy, không có tiêu chí nào đánh giá bao nhiêu thì là vừa.

 

Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn - Hà Nội năm nay các khoản thu đầu năm cao hơn năm ngoái vài trăm ngàn đồng và tổng cộng cũng ngót nghét 2 triệu đồng. Như vậy, mặc dù đóng tiền học phí cao cho trường học vốn được tính vào chi phí đầu tư của nhà trường, vậy mà vẫn có những khoản thu thêm đầu năm học, làm cho gánh nặng của gia đình có con đi học trường dân lập ngày một tăng lên.

 

Việc nhiều trường tự động thu phí quản lý sổ liên lạc điện tử cũng gây phàn nàn với không ít phụ huynh học sinh. Chị Bích Huyền, có con đang theo học trường tiểu học dân lập Ban Mai, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cho biết, cả năm vừa rồi nhà trường thu phí sử dụng hệ thống thông tin liên lạc, nhưng lần nào chị muốn vào xem đều không thể mở được. Đành vẫn phải theo cách thông thường là gọi điện thoại cho cô giáo để lấy thông tin. Thế mà năm học này, trong các khoản thu thêm của nhà trường vẫn có khoản thu 150 nghìn đồng phí quản lý sổ liên lạc điện tử! 

Làm sao quản được các khoản thu “tự nguyện”?

 

Được biết, ngay từ năm học 2009-2010, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi. Bãi bỏ khoản thu đóng góp xây dựng trường. Đối với những khoản thu thoả thuận như tiền ăn, nước uống, học phẩm, chăm sóc bán trú, vệ sinh, an ninh... trường phải đảm bảo thực hiện dân chủ, công khai, có văn bản thoả thuận tới từng phụ huynh về các mức thu, nội dung chi với nguyên tắc thu đủ chi trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong Ban giám hiệu trường.

 

Chính sách là như vậy, tuy nhiên khái niệm “tự nguyện” được vận dụng muôn hình vạn trạng. Ngay cả Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khuyến khích các trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện nguyện vọng được đóng góp hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho nhà trường. Chính vì vậy, các phụ huynh được nhà trường thông tin đầy đủ về quy định của Sở, nhưng quy định thì cứ quy định, việc đóng góp thì cứ đóng góp.

 

Phụ huynh học sinh thường có tâm lý đâm lao phải theo lao, con đã học ở trường rồi thì những quy định có tính chất khuyến khích phần lớn đều nhất trí cho xong chuyện. Điều này dẫn đến tình trạng các đơn vị liên ngành có kiểm tra cũng khó phát hiện được sai phạm vì nhà trường đã có cách hợp thức hóa bằng những biên bản tự nguyện của phụ huynh. Đó là còn chưa kể đến các cuộc họp riêng với phụ huynh có con xin học trái tuyến các trường học công lập, mức đóng góp còn được “rỉ tai” đến từng phụ huynh.

 

Các giải pháp đối với các khoản đóng góp đầu năm là vấn đề đã được đặt ra nhưng năm nào cũng vậy, cứ trước thềm một năm học mới, phụ huynh học sinh vẫn không thoát khỏi mối lo mang tên “tự nguyện”!

 

 

* Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga:

 

Các trường không được thu gộp nhiều khoản đầu năm học

 

Trao đổi với báo giới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết, phụ huynh không bắt buộc phải đóng quỹ hội phụ huynh nên có quyền từ chối những khoản đóng góp nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện. Tất cả các khoản thu phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng phụ huynh, nêu rõ khoản thu theo quy định, thỏa thuận, tự nguyện. Các trường không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học. Việc quản lý và sử dụng kinh phí của phụ huynh, theo quy định, khoản thu này chỉ được sử dụng sau khi có sự thống nhất của hội phụ huynh lớp và trường. Việc thu chi này phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, báo cáo công khai tình hình thu chi và quyết toán kinh phí tại các cuộc họp phụ huynh. Hội phụ huynh chịu trách nhiệm thu, chi và thực hiện chứng từ quyết toán...

 

Theo dantri.com.vn


letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra