Theo cáo trạng truy tố, ngày 1-10-2006, Bùi Quang Chiến, sinh năm 1983, ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh với danh nghĩa là giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT một Công ty cổ phần Đào tạo và chuyển giao công nghệ VIT (không có giấy phép xuất khẩu lao động) đã đến Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam (VINAGIMEX) – là công ty được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động để móc nối làm ăn. Tại đây, hắn đã được tiếp nhận và nhanh chóng được giao phụ trách một cơ sở đào tạo - giáo dục định hướng. Hắn ta thuê một căn nhà tại phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm trụ sở giao dịch. Sau đó, Chiến treo biển “Cơ sở giáo dục định hướng” của VINAGIMEX khiến người lao động nhầm tưởng Công ty VIT của Chiến có chức năng xuất khẩu lao động thật.
Sau đó, Chiến và anh ruột là Bùi Văn Thỉnh, sinh năm 1977 hứa hẹn làm thủ tục xuất khẩu và tiến hành thu của 111 người lao động có nhu cầu đi Hàn Quốc hơn 9,7 tỷ đồng, nhưng không đưa được người nào đi. Hầu hết những người này đều đã cầm cố nhà đất, vay ngân hàng để có tiền giao cho Chiến. Sự việc vỡ lở, Chiến và Thỉnh bỏ trốn. Đến ngày 12-11-2006, hai anh em Chiến bị bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo. Cả hai đã hoàn trả một phần tiền cho các nạn nhân, nhưng còn hơn 1,7 tỷ đồng không có khả năng chi trả.
Tuy nhiên, dù thực hiện trót lọt phi vụ lừa đảo trên, nhưng Chiến và Thỉnh lại bị một kẻ “cao tay” hơn lừa lại. Đó là Lưu Thị Thu Hương, sinh năm 1977, ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa là giám đốc Công ty cổ phần tư vấn nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.
Hương thông báo về những suất lao động tại Hàn Quốc với mức lương hấp dẫn và bảo Chiến, Thỉnh thu tiền. Hơn 2,7 tỷ đồng từ 42 nạn nhân của Chiến trong số 9,7 tỷ đồng mà y lừa được đã rơi vào tay Hương. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra vào cuộc mới làm rõ Công ty của Hương vừa thành lập cách đó vài tháng. Người đứng ở “hậu trường” chỉ đạo Hương mượn tay Chiến lừa đảo người lao động là Nguyễn Thành Yên, sinh năm 1968, ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng, giám đốc Công ty cổ phần Đông Hải (ở TP Hải Phòng). Hương còn thu tiền của hàng trăm lao động ở các địa phương khác đưa cho Yên với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng và 410 nghìn USD. Tháng 7-2009, Yên và Hương đều đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử với mức án tù chung thân và 7 năm tù giam vì lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng và 242 nghìn USD.
Ngoài ra còn có Nguyễn Tiến Quyển, sinh năm 1973, ở Việt Yên, Bắc Giang là giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu thương mại quốc tế chuyên về tư vấn giáo dục, không có chức năng xuất khẩu lao động, có trụ sở tại tổ 31 dãy A phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thực tế công ty này không hoạt động và Quyển lại thuê một ngôi nhà trống ở ngõ 560 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, HN để tiếp nhận hồ sơ xuất khẩu lao động. Quyển đã thuê cả một đám những kẻ vô công rồi nghề đóng giả nhân viên tư vấn, nhân viên giao dịch, y hệt một Công ty xuất khẩu lao động thật sự để dễ bề hoạt động.
Trong số đó có Trịnh Xuân Nghiên, sinh năm 1952, ở Thanh Miện, Hải Dương, là một thợ mộc được “phù phép” thành chuyên viên tư vấn xuất khẩu lao động. 71 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đã mắc bẫy của Quyển và Nghiên, thiệt hại 9 tỷ đồng. Quyển và Nghiêm mới khắc phục một phần hậu quả nhưng vẫn còn số tiền 6,1 tỷ đồng chưa trả được.
Sau khi xem xét các chứng cứ cũng như các lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt cả 6 bị cáo cùng tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án: Bùi Quang Chiến 20 năm tù; Bùi Văn Thỉnh 14 năm tù, tổng hợp mức án 3 năm trước đó là 17 năm; Lưu Thị Thu Hương 14 năm tù cộng với mức án 7 năm đang thi hành là 21 năm; Nguyễn Thành Yên 20 năm tù, tổng hợp mức án chung thân đang thi hành là chung thân; Nguyễn Tiến Quyển 20 năm tù; Trịnh Xuân Nghiên18 năm tù./.
Nguyên Anh