Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - nhiều bất cập trong triển khai thực hiện

Thứ năm, 26/08/2010 14:16
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực pháp lý đã hơn 2 năm, nhưng đến nay, bạo lực gia đình vẫn diễn ra ở một số nơi với nhiều hình thức khác nhau và việc giải quyết ở địa phương còn bất cập.

Thiếu biện pháp xử lý

Một ngày, bà Đinh Thị Hoài Nam, Trưởng nhóm phòng chống bạo lực gia đình phường 13, quận 10, TP HCM vừa mở cửa thì cụ bà Mười Duyên nhờ mấy người cháu chở đến. Tủi thân và bức xúc, cụ bà cho biết, bản thân đã ngoài 80 tuổi nhưng vì con dâu hỗn láo, chì chiết, nhiếc móc đến mức không chịu nổi.

Già cả, mắt mờ, chân chậm, nhà lại nhiều lầu, bà ở tuốt trên cao nên mỗi khi con dâu đi đâu về kêu cửa, phải cần một khoảng thời gian mới xuống đến nơi. Thế nhưng, cửa vừa mở là đã nghe nhiếc móc xối xả: Nhà này chết hết rồi hay sao mà không ai mở cửa… Nhiều khi, không có chuyện gì, cô ta cũng nhảy tưng tưng lên chửi mẹ chồng trong khi người chồng lại nhu nhược, chỉ im lặng hoặc bỏ đi mỗi khi vợ chửi mẹ. Không chịu nổi, đôi lần, chính bà mẹ chồng tội nghiệp phải cất tiếng xin con dâu đừng chửi nữa, kẻo bà thần kinh đến nơi. Cô ngạo mạn bảo: muốn không nghe chửi nữa thì bà quỳ xuống lạy…

Cán bộ đoàn thể của khu phố tìm tới hòa giải nhưng không bao giờ gặp được cô con dâu bởi cô đều tránh mặt. Biện pháp cuối cùng là nhờ đến chính quyền gửi giấy mời lên làm việc song giấy gửi đi, cán bộ ngồi chờ vài tiếng đồng hồ vẫn không thấy tăm hơi người được mời lên làm việc đâu. Gọi điện, khi thì cô tắt máy. Có khi nghe điện thoại nhưng chỉ buông thõng một câu: tôi bị bệnh tim…

Chưa đến nỗi mắt mờ chân chậm như cụ bà Duyên nhưng chuyện vợ chồng cụ bà H. - N. lại thường xuyên khiến khu phố náo loạn bởi những cuộc rượt đuổi nhau ngoài đường phố. Lý do chỉ vì ông bà đã ngoài 60, nhà cửa chật chội, đông con nhiều cháu. Ông đã già mà còn ham muốn trong khi bà xấu hổ với con cháu, nhất định không chịu. Ông quay ra rượu chè, nói linh tinh. Bà nóng nảy, nói qua nói lại dẫn đến những cuộc rượt đuổi ngoài đường, gây mất trật tự khu phố. Công an phường mời lên giải quyết nhưng nhìn vẻ ngoài không lấy gì làm khỏe mạnh của hai cụ già nên chỉ nhắc nhở rồi cho về. Những cuộc rượt đuổi ngoài đường lại tiếp diễn…

Phòng chống bạo lực gia đình - cần sự phối hợp đồng bộ

Theo kinh nghiệm của "cựu" nạn nhân Dương Thị Kim Dung ở phường 2, quận 10 và khá nhiều cán bộ nhân viên các cấp phụ trách về công tác phòng chống bạo lực gia đình thì rất nhiều trường hợp, ngay cán bộ chính quyền địa phương, đối tượng bạo lực cũng… coi thường. Tuy nhiên, nếu Công an phường xuất hiện là đối tượng, dù đang say xỉn cũng bớt hung hăng. Chị Dung cho biết, anh chị lập gia đình đã lâu, con lớn đã học lớp 6, con nhỏ mới 4 tuổi, anh có nghề thợ điện, theo các công trình xây dựng tư nhân, công việc không ổn định, ít khi nào mang tiền về cho gia đình.

Chị Kim Dung tố giác  lên chi hội phụ nữ địa phương việc thường xuyên bị chồng đánh đập. Ảnh: cand.com.vn


Chị có nghề may, thu nhập mỗi tháng 3 triệu đồng, vừa phải nuôi cả gia đình, vừa nuôi thêm bố đẻ nên kinh tế rất khó khăn. Anh không chia sẻ với vợ, thường xuyên nhậu nhẹt, cứ hai, ba ngày lại về kiếm chuyện, đánh đập vợ đến thâm tím, thậm chí rách mí mắt. Chị nhẫn nhịn chịu đựng với mong muốn gia đình êm ấm. Sau quá nhiều lần, không chịu nổi chị mới tìm đến chi hội phụ nữ khu phố. Nếu chỉ một mình cán bộ hội phụ nữ, anh rất ngang bướng song lần nào mời thêm Công an phường, anh mới chịu… nói chuyện mềm mỏng hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đinh Thị Bạch Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch TP HCM, người đã có rất nhiều năm gắn bó với công tác xây dựng gia đình văn hóa, công tác văn hóa cơ sở cho biết: Sự xuất hiện của Công an kịp thời, đúng lúc là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp về lâu về dài thì phải cần sự nhập cuộc và phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ chính quyền các cấp đến các tổ chức đoàn thể như mặt trận tổ quốc, thanh niên, phụ nữ…

Cùng với việc rà soát, nắm cho được danh sách các gia đình thuộc nhóm có nguy cơ bạo lực gia đình để có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì việc tạo một môi trường văn hóa qua xây dựng các khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, khơi gợi những nét đẹp văn hóa của gia đình truyền thống, giúp nhau làm kinh tế vượt khó, tăng cường tuyên truyền, xây dựng văn hóa trong giao tiếp ứng xử là hết sức cần thiết.

Bởi, sống trong một môi trường văn hóa, cha mẹ gương mẫu, con cái thảo hiền thì rất khó xảy ra bạo lực gia đình. Làm được điều này cần sự linh động, sáng tạo của chính các cán bộ cấp cơ sở. Có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như giúp đỡ các bạn trẻ thông qua câu lạc bộ tiền hôn nhân, bạn giúp bạn của đoàn thanh niên, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế…

Đồng tình với ý kiến của bà Đinh Thị Bạch Mai nhưng theo chị Trần Thị Như Phong, Trưởng ban chính sách pháp luật Hội Phụ nữ TP HCM cho rằng ngoài sự hỗ trợ từ phía cộng đồng thì sự nhường nhịn, biết kìm chế và bản lĩnh, biết trang bị kiến thức, cách ứng xử của thành viên trong gia đình mới là yếu tố quyết định hạnh phúc bền lâu, tránh tình trạng bạo lực trong gia đình hiện nay./.


Theo N.Hoa - CAND

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra