Trồng cây xanh – Nhiệm vụ cấp bách
Nhà báo Thép Mới trong những ngày kháng chiến gian khổ từng viết “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý… Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời”. Thế mà, thật đáng tiếc, hòa bình lập lại bao nhiêu năm, vẫn không ít người sao nhãng gìn giữ vốn quý giá, thiêng liêng này do mẹ thiên nhiên ban tặng. Đô thị, nhà cao tầng mọc lên càng nhiều lại càng vắng bóng cây xanh, đất trống đồi trọc; không gian sống ngày càng thu hẹp; môi trường, nhất là môi trường không khí bị ô nhiễm đến mức báo động.
Chính vì vậy Chỉ thị 45 lần này của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch bài bản thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp... Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu quản lý suốt quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; dứt khoát không để chạy theo hình thức, phô trương, lãng phí, “chín cây thì chết, một cây gật gù”...
Địa phương hưởng ứng
Người dân vui mừng khi thấy nhiều địa phương đang khẩn trương thực hiện chỉ thị 45 của Thủ tướng, nổi bật như: Bến Tre là tỉnh đầu tiên hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng bằng việc phối hợp cùng Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức thành công lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa vào ngày 2/1. Theo Đề án trồng 10 triệu cây xanh tỉnh Bến Tre, trong giai đoạn đầu, tỉnh tập trung trồng cây trên các tuyến đường có đầu tư lớn như Quốc lộ 60, 57, 57B, 57C, đường 173, đường Cồn Rừng, đường dẫn về các khu du lịch huyện Châu Thành, Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại. Chương trình tập trung vào các mục tiêu: gia tăng diện tích phủ xanh; tạo cảnh quan môi trường đô thị, các quốc lộ và tuyến lộ xã nông thôn mới.
Các tỉnh, thành phố như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Nội… đều đã lên kế hoạch trồng cây xanh trong những ngày đầu xuân Tân Sửu.
Một mục tiêu
Ô nhiễm không khí đến từ các phương tiện giao thông- Ảnh minh họa
Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí từ lâu đã được cảnh báo. Có thể nói, đây là vấn nạn ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Nhiều ngày qua, trang aqicn.org chuyên về thông báo chất lượng không khí (AQI) cung cấp thông tin về chỉ số chất lượng không khí trên toàn cầu đã cảnh báo chất lượng không khí ở Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác tại Việt Nam mức vàng (không tốt) đến tím (rất có hại cho sức khỏe). Một số nhà đầu tư, tổ chức bảo vệ môi trường cũng lên tiếng quan ngại về ô nhiễm môi trường không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam cũng nhiều lần thông tin cảnh báo, nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang vượt mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người ở mức báo động. Đặc biệt, bụi mịn PM10, PM2.5 gây tác hại khôn lường cho sức khỏe. Trong đó, PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gene.
Trước tình hình báo động về ô nhiễm không khí, ngày 18/1, Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Theo Chỉ thị, nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường không khí do bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp; diện tích cây xanh, mặt nước ở đô thị thấp…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần khẩn trương triển khai: Rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải; phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường; kiểm soát chặt đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải, nguy cơ ô nhiễm trương cao; siết chặt quy chuẩn đối với than nhập khẩu; thu hồi hương tiện cơ giới cũ nát; không sử dụng than trong sinh hoạt, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước đô thị…
Nói riêng về vấn đề cây xanh, theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố trong năm 2020 cho thấy, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người khoảng 2 m². Mật độ này không đạt quy chuẩn của đô thị (khoảng 7-9 m²) và bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại các thành phố lớn thấp, khí hậu thường xuyên nóng bức, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Báo cáo ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10 m² cây xanh hoặc 25 m² thảm cỏ để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho cây xanh tại các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh rất hạn chế, phân bố không đều.
Hai Chỉ thị (45/CT-TTg và 03/CT-TTg) của Thủ tướng Chính phủ ban hành cho những nhiệm vụ quan trọng khác nhau song có sự gắn kết rất chặt chẽ, khăng khít với nhau và đều hướng tới sự phát triển bền vững. Theo đó, để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí cần tăng cường vun trồng cây xanh; trồng, chăm sóc nhiều cây xanh chắc chắn sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.
Hai Chỉ thị cho cùng hướng đến một mục tiêu phát triển bền vững cho đất nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý… Mong rằng, các bộ, ngành, địa phương sớm bắt tay tổ chức, triển khai hai chỉ thị sát với đời sống dân sinh của Thủ tướng Chính phủ ngay từ tháng đầu tiên của năm 2021./.
Theo VGP News