Đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2021, năm đầu của Kế hoạch phát triển 5 năm và Chiến lược 10 năm với khí thế, sự vững tin, khát vọng, ý chí quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, hướng tới mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Một trong những khía cạnh quan trọng thể hiện sự thịnh vượng, phồn vinh của một quốc gia là sức mạnh của nền tài chính quốc gia; bao gồm cả tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tổ chức và tài chính dân cư; là nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm kỳ vừa qua, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp quyết định vào các thành quả của đất nước như: Đã xây dựng được hệ thống thu tương đối hiện đại, bao quát các nguồn thu, công khai, minh bạch, có tính cạnh tranh trong khu vực, thế giới, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra thuế được đổi mới theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro thu nộp Ngân sách Nhà nước lớn, các doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn, các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, có dấu hiệu chuyển giá...; quyết liệt xử lý thu nợ thuế.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi NSNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; lần đầu xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm, thực hiện phân bổ nguồn lực trong phạm vi khả năng của nền kinh tế, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trung hạn, cải thiện tính dự báo, tạo chủ động cho các đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách; đẩy mạnh khoán, đấu thầu, đặt hàng.
Không chỉ vậy, đã hoàn thiện thể chế, quy định các nguyên tắc tính bội chi ngân sách phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; chẳng hạn như bội chi ngân sách chỉ dành cho đầu tư phát triển hay quy định giới hạn dư nợ vay của ngân sách địa phương gắn với khả năng trả nợ của địa phương...; hoàn thiện thể chế quản lý nợ công theo nguyên tắc thị trường, thống nhất đầu mối quản lý; tăng cường công khai, minh bạch.
Khi triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, ngành Tài chính cũng đi tiên phong trong việc sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn đội ngũ công chức, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy. Tính đến nay, Bộ Tài chính đã cắt giảm 4.328 đầu mối các đơn vị, giảm 6.460 chỉ tiêu biên chế (tương đương 8,7% so với năm 2015); dự kiến đến năm 2021, giảm được 10% so với năm 2015, theo đúng Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Với những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, nền tài chính quốc gia đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thời gian qua.
Đặc biệt, kết quả cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 đã củng cố tiềm lực nền tài chính quốc gia theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời tạo dư địa huy động thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế tránh được suy thoái, đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tham luận tại Đại hội. Ảnh: L.A
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn
Nói về quan điểm, định hướng, mục tiêu Chiến lược 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 05 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhất trí cao với các Báo cáo của Trung ương trình Đại hội. Trên cơ sở kết quả đạt được, dự báo bối cảnh thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò định hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi xác định, nhiệm vụ của ngành tài chính trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN, nợ công; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; hoàn thiện việc sắp xếp khối DNNN, đổi mới quản trị theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý; cải thiện mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, sự nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.
Trong đó, tập trung, hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách giá cả, tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…; phát triển hệ thống thu hiện đại, gắn với cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập và thông lệ quốc tế, bao quát nguồn thu, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội, bảo đảm tính trung lập, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiện đại, thuận tiện, điều tiết thu nhập hợp lý; đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường, đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, thực hiện “xã hội hóa” trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai quản lý ngân sách trung hạn, theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; gắn kết chặt chẽ chi đầu tư với chi thường xuyên; mở rộng việc áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính, sự nghiệp công, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công; cải thiện mạnh mẽ hiệu quả, hiệu lực chi tiêu công.
Mặt khác, quyết liệt thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; khẩn trương hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước.
“Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả nguyên tắc chi trong khả năng nguồn lực, vay trong khả năng trả nợ, gắn trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng, với quản lý bội chi, trả nợ và trách nhiệm giải trình; hoàn thiệu cơ sở dữ liệu về thu, chi, nợ công, tài sản công, tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, điều hành tài chính công ở cả phạm vi vĩ mô và vi mô; nâng cao tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Ngoài ra, nâng cao năng lực, chất lượng và mở rộng hoạt động của công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính theo nguyên tắc rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường hiệu lực của hệ thống giám sát nội bộ, vai trò của công tác giám sát từ xa; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương để xử lý có hiệu quả các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thu hồi tối đa cho Nhà nước tiền, tài sản bị vi phạm, chiếm đoạt.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới là khá nặng nề, nhưng với ý chí và quyết tâm cao, thay mặt ngành Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng xin hứa trước Đại hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính-NSNN, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra./.
Lan Anh