Nghị quyết Đại hội XIII: Ngăn chặn tha hóa quyền lực, lộng quyền, lạm quyền

Thứ sáu, 12/03/2021 07:08
Việc kiểm soát quyền lực nếu bị buông lỏng sẽ làm quyền lực bị tha hóa, gia tăng lộng quyền, lạm quyền.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Qua thực tế xử lý hàng nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý trong nhiệm kỳ khóa XII cho thấy: Việc kiểm soát quyền lực nếu bị buông lỏng sẽ làm quyền lực bị tha hóa, gia tăng lộng quyền, lạm quyền và hàng loạt hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ có chức, có quyền. Thực tế đó đặt ra yêu cầu khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, đó là phải tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng.

 

leftcenterrightdel
 Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Báo.

Trao đổi với phóng viên VOV, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Báo, Giảng viên Cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh  cho rằng, tham nhũng quyền lực là cha đẻ của các loại tham nhũng. Khi có quyền lực trong tay, người ta sẽ thao túng tất cả các lĩnh vực.

PV: Tha hóa quyền lực, nhất là quyền lực công sẽ để lại hậu quả nặng nề. Một khi quyền lực công bị chiếm đoạt và lợi dụng vào mục đích riêng, tư lợi thì con đường dẫn đến tha hóa và tụt dốc của đạo đức công vụ sẽ ngắn và nhanh nhất. Bà nghĩ sao về hậu quả của tha hóa quyền lực?

PGS-TS Nguyễn Thị Báo: Trước tiên phải nhận diện, định danh được các biểu hiện của vi phạm, lạm dụng quyền lực. Có thế, chúng ta mới ngăn ngừa, mới chống được tham nhũng. Mặc dù, các biểu hiện tham nhũng ngày càng tinh vi nhưng không phải không có cách để nhận diện và định danh các biểu hiện của lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc tại một cuộc tọa đàm gần đây đã khẳng định rằng, bên cạnh kết quả đạt được thì công tác kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: chưa có chế định rõ ràng, đồng bộ, hiệu quả, phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực của Nhà nước ở các cấp, công tác phòng chống tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương chưa chuyển biến rõ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, tham nhũng vặt chưa được ngăn chặn kịp thời….

Minh chứng là các vụ án bị khởi tố như cựu thanh tra bộ xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh hay ông Ngô Văn Thụy, đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu (Đội 3) - Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã nhận hối lộ, bao che cho vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn ở phía Nam hay như việc khởi tố ông Trần Văn Tuệ, thanh tra viên sở Nội Vụ Đắk Lắk vì hành vi nhận hối lộ.

Khi những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ kỹ năng, nghiệp vục càng cao mà bị tha hóa, biến chất thì hành vi tham nhũng càng tinh vi, vụ việc càng phức tạp, gây khó khăn cho quá trình phát hiện, xử lý.

PV: Từ việc tha hóa quyền lực sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng chính sách, tham nhũng trong công tác cán bộ…, bà có đồng tình với quan điểm này không ?

PGS-TS Nguyễn Thị Báo: Tham nhũng quyền lực là cha đẻ của các loại tham nhũng. Khi có quyền lực trong tay, người ta sẽ thao túng tất cả các lĩnh vực và tất cả các cá nhân, tổ chức dưới sự điều hành mà họ đang nắm giữ. Từ tham nhũng quyền lực sẽ dẫn đến tham nhũng chính sách. Khi người có quyền lực mà tham nhũng chính sách thì gây hậu quả cho dân, cho nước rất khủng khiếp. Họ sẽ làm cho chính sách đó biến tướng, trá hình, không vì mục đích công mà tạo ngụy để phục vụ mục đích tư, “lợi ích nhóm”.     

Tham nhũng trong công tác cán bộ thì tất yếu sẽ dẫn đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm người không vì tiêu chuẩn chung theo quy định của Nhà nước. Thật sự là chua xót khi dư luận cho rằng, tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ dẫn đến ưu tiên sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm theo thứ bậc: quan hệ, tiền tệ, hậu duệ. Trí tuệ ở vị trí cuối cùng. Và kẻ đút lót để có chức vụ, quyền hạn thì sẽ tất yếu dẫn đến hậu quả là họ tìm mọi cách để xoay sở, xà xẻo của công, tư túi mà như dân gian vẫn nói là “thu hồi vốn”. Nó tạo ra bức trần kính, tạo ra rào cản cho những người có tài năng, đức độ thực sự. Người mà dân cần, nước cần không có cơ hội bình đẳng để tiếp cận công việc, phục vụ nhân dân và thăng tiến.

PV: Dư luận xã hội thời gian qua có nhiều băn khoăn sau các vụ bổ nhiệm cán bộ, nhất là những người được bổ nhiệm lại là con em của các vị lãnh đạo địa phương. Vậy theo bà, những băn khoăn của dư luận có căn cứ không ?

PGS-TS Nguyễn Thị Báo: Năng lực công tác, kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, trong đó người được bổ nhiệm ở tuổi đời rất trẻ, họ thật sự là người tài xuất chúng thì thật là tuyệt vời. Vấn đề là dư luận không đủ thông tin về tài năng, đức độ của họ. Tất cả những cái đó phải được định tính, định lượng bằng công việc cụ thể chứ không phải chỉ là lời khen. Lời khen khó thuyết phục người dân mà phải có những thông tin cụ thể. Dân biết thì dân mới bàn được. Thực tế cho thấy, nếu không phải thiên tài thì kỹ năng và kinh nghiệm quản lý chỉ có thể có được sau một quá trình công tác nhất định. Nếu tuổi đời con trẻ, kinh qua các vị trí công tác trong thời gian rất ngắn và thăng tiến liên tục, trong khi lại rất thiếu thông tin về tài năng của người được bổ nhiệm… thì dư luận băn khoăn là hoàn toàn có cơ sở. Còn nếu như con em lãnh đạo mà có tài năng thực sự, họ được bổ nhiệm thì cũng rất đáng mừng.

PV: Nghị quyết đại hội XIII tiếp tục xác định, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách, lâu dài, không ngừng nghỉ. Theo bà, ngoài việc xây dựng các quy chuẩn về đạo đức thì chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế ra sao để ngăn chặn tham nhũng?

PGS-TS Nguyễn Thị Báo: Có đạo đức, tư cách, đúng nhưng chưa đủ. Tuy nhiên, đó là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Chúng ta cần phải có thể chế và thiết chế cực kỳ nghiêm minh, pháp luật phải chặt chẽ để cho những người muốn tham cũng không thể tham được, không có chỗ để lách luật. Đó là bức rào chắn để cán bộ, đảng viên muốn tham nhũng cúng khó. Thứ hai, chúng ta phải có chế tài xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có ngoại lệ. Chúng ta hồi tố trách nhiệm cả những người về hưu, kể cả đã mất mà tội phạm nguy hiểm thì vẫn phải xem xét xử lý để để làm gương cho người sau.

PV: Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh việc tăng cường giám sát trong Đảng. Vậy chúng ta nên tập trung giám sát những nội dung nào, thưa bà ?

PGS-TS Nguyễn Thị Báo: Thứ nhất là giám sát hành vi của đảng viên, tổ chức Đảng thực hiện điều lệ đảng như thế nào. Giám sát thường xuyên, đừng có làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi. Nội dung giám sát phải theo điều lệ, theo quy định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hướng dẫn. Giám sát trước hết là những người có chức vụ, quyền hạn- những người có nguy cơ cao về tham nhũng. Chúng ta cũng không có đủ sức để giám sát tất cả mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Mà những người có chức vụ, quyền hạn thì cũng rất dễ lợi dụng quyền lực để chiếm công vi tư (biến của công thành của riêng).

PV: Để giám sát quyền lực cũng cần có cách kiểm soát đa chiều. Điều này có ý nghĩa quan trọng thế nào, thưa bà ?

PGS-TS Nguyễn Thị Báo: Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta bao gồm cả hình thức kiểm soát bên trong, là các cơ quan trong bộ máy Nhà nước tự kiểm soát lẫn nhau. Nhiều khi, cả thiết chế kiểm soát quyền lực cũng bị tha hóa quyền lực. Cho nên, có lúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc nhở rằng, phải chống tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng. Giám sát bên trong có ưu điểm là kịp thời và người ở bên trong thì họ biết được rằng, giao cho việc gì thì giám sát việc ấy. Nhưng giám sát bên ngoài thì bảo đảm tính khách quan bởi người Việt thường có tư tưởng “trọng tình hơn trọng lý”, vẫn nể nang, xuê xoa, chưa nói đến ảnh hưởng dòng tộc, bạn bè thân tín, rồi kiểm soát bên ngoài của chính nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và của các cơ quan báo chí.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!    

Theo VOV.VN

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra