Ngày 31/12/2020, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam… và 800 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên cả nước.
Những kết quả nổi bật
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thực hiện Quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 799 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (112 báo hoạt động điện tử); 612 tạp chí; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 02 đài quốc gia; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 đài địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Có 02 địa phương đã chuyển đổi sang mô hình toà soạn hội tụ, gồm: Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh và Đài Phát thanh, Truyền hình và Báo Bình Phước.
Năm 2020, các cơ quan báo chí đã chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội…
Đánh giá khái quá giai đoạn 2016-2020 có thể thấy công tác báo chí đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy ưu điểm, bước đầu khắc phục được những hạn chế, thiếu sót của thời gian trước đây. Trong đó, công tác ban hành và triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực báo chí kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn. Công tác thể chế hoá các quan điểm của Đảng về báo chí thành pháp luật của Nhà nước được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đồng thời, công tác chỉ đạo, định hướng, tổ chức và quản lý thông tin trên báo chí đảm bảo nguyên tắc một đầu mối (Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp thực hiện) theo phương châm: Chủ động, sâu sát, chính xác, kịp thời, xuyên suốt, kiên quyết, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Tràng An)
Báo chí đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền trên báo chí đã bám sát định hướng của Đảng, thông tin chủ đạo, tích cực đã tạo đồng thuận trong xã hội, gây dựng niềm tin trong Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19; báo chí tích cực tham gia tạo khí thế đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các biểu hiện mất dân chủ cơ sở… Đặc biệt, đã đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc; triệt phá, ngăn chặn, gỡ các thông tin sai trái, xuyên tạc trên không gian mạng, góp phần vào sự thành công của Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đáng chú ý, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đã ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, quản lý, bắt kịp xu thế trong bối cảnh chuyển đổi số. Cơ quan quản lý đã áp dụng công nghệ để đo điểm, đánh giá, thẩm định, nhìn thấy xu hướng bức tranh báo chí để đưa ra quyết định, chỉ đạo phù hợp hơn. Việc chuyển đổi số mạnh mẽ còn đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân các vùng miền, rút ngắn tỷ lệ chênh lệch thụ hưởng thông tin giữa đồng bằng và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, công tác cán bộ báo chí và kiểm tra, giám sát được cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đặc biệt quan tâm. Theo đó, đã lựa chọn những cán bộ báo chí đảm bảo phẩm chất đạo đức, chính trị, nghiệp vụ để lãnh đạo cơ quan báo chí, không xem xét, hiệp y những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở cương vị người lãnh đạo cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí và nhà báo đã bị xử lý do vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí, quy định đạo đức người làm báo. Qua đó, góp phần chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động báo chí.
Ngoài ra, công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và Hội Nhà báo đã kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân, tôn vinh những người làm báo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí trong thời kỳ mới phải là “bộ lọc” thông tin
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông sẽ diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, báo chí trong thời kỳ mới phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mệnh của nền báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại.
Cùng với những thuận lợi, nền báo chí cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức, như: Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích người dùng diễn ra nhanh; áp lực về chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của các cơ quan báo chí sau khi thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; ảnh hưởng của dịch Covid-19; vấn đề bảo vệ nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp…
Trong khi đó, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý đòi hỏi cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, rút ra bài học kinh nghiệm, nỗ lực hơn nữa, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2021.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tràng An)
Cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Mặt khác, đổi mới công tác chỉ đạo việc tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và hệ thống báo chí để rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện những vấn đề phát sinh, bất cập của quy định pháp luật, làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật Báo chí trong năm 2021; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng truyền thông xuyên biên giới.
Một nhiệm vụ quan trọng, là chuyển mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra chuyên đề và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội, trong ngành, nhất là đối với các hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích và thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với cơ quan chủ quản báo chí, cần tuân thủ và thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tăng cường công tác chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, việc thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí trực thuộc. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh nghiêm hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú…
Các cơ quan báo chí cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo. Nâng cao vài trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là việc chấn chỉnh các sai phạm của cơ quan, phóng viên báo chí…/.
Tràng An - Hoàng Minh