Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ nhỏ, Hà Huy Tập đã có tính cách cương trực, thẳng thắn, sẵn sàng bênh vực những người nghèo khổ, bị áp bức. Bản tính đó cùng truyền thống quê hương và sự giáo dục của gia đình là nhân tố đưa Anh dấn thân vào con đường cách mạng, đấu tranh chống lại mọi áp bức, bất công.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại phần mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. (Ảnh tư liệu). Nguồn: Internet
Năm 13 tuổi (1919), Hà Huy Tập thi đỗ thủ khoa tại trường tỉnh và được đặc cách vào thẳng trường Quốc học Huế. Năm 1923, tốt nghiệp Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu và được bổ vào dạy học tại trường tiểu học Pháp – Việt, thị trấn Nha Trang. Cuối năm 1925, đồng chí Hà Huy Tập gia nhập tổ chức Hội Phục Việt, một tổ chức cách mạng yêu nước; giữa năm 1926, Công sứ Nha Trang ra lệnh trục xuất đồng chí Hà Huy Tập ra khỏi Nha Trang.
Tháng 8/1926, đồng chí chuyển về Vinh, dạy học ở Trường Cao Xuân Dục và được Hội Hưng Nam (tên gọi mới của Hội Phục Việt) giao nhiệm vụ phụ trách tuyên truyền giáo dục cho học sinh các trường tiểu học và công nhân ở Vinh - Bến Thủy. Đồng chí Hà Huy Tập đã mở một số lớp huấn luyện chính trị cho công nhân và tổ chức thành công nhiều cuộc bãi khóa của thanh niên và học sinh ở Vinh, vì lý do đó mà đồng chí bị cách chức giáo viên.
Ngày 18/3/1927, tại Vinh, đồng chí Hà Huy Tập tham gia tổ chức và diễn thuyết trước hàng ngàn người tham dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh nhân dịp kỷ niệm một năm ngày mất của cụ. Sau đó, đồng chí rời Vinh vào Sài Gòn, dạy học ở Trường Tiểu học tư thục “An Nam học đường”, vừa kiếm sống, vừa che mắt địch để hoạt động cách mạng.
Tháng 6/1928, đồng chí Hà Huy Tập bị đình chỉ dạy học ở Sài Gòn vì lý do “kích động học sinh bãi khóa ở nhiều nơi”. Tháng 12/1928, đồng chí Hà Huy Tập rời Sài Gòn sang Trung Quốc, tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài.
Ngày 24/7/1929, đồng chí Hà Huy Tập vào học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô). Trong thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí đã say mê nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của C. Mác-Ph.Ănghen, V.I. Lênin, các văn kiện quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Liên Xô, viết nhiều bài gửi Tạp chí Bôn-Sơ-vích (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp) và biên soạn nhiều tài liệu khác gửi Quốc tế Cộng sản.
Tháng 3/1932, đồng chí Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông và ở lại Liên Xô hoạt động. Trong thời gian ở Liên Xô, đồng chí viết cuốn sách “Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương”. Cuốn sách nêu bật lịch sử đấu tranh oanh liệt của quần chúng công nông, vai trò và uy tín của đảng viên Cộng sản, rút ra những bài học về phương pháp đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch.
Tháng 4/1933, đồng chí Hà Huy Tập bí mật về nước qua con đường Trung Quốc, bắt liên lạc với Đảng và với đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác bàn quyết định triệu tập Hội nghị Đảng để thành lập Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng làm nhiệm vụ chắp nối và khôi phục các tổ chức đảng trong nước. Tại hội nghị đó (tháng 3/1934), đồng chí Hà Huy Tập được phân công chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích (sau chuyển thành cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương).
Ngày 17/3/1935, Quốc tế Cộng sản gửi cho Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng chỉ thị: Đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Thư ký Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Hà Huy Tập lãnh đạo Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng.
Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội Đảng toàn quốc họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến 31/3/1935. Đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chủ trì Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội đã bầu Ban chấp hành và Ban thường vụ Trung ương gồm 5 đồng chí, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài.
Ngày 26/7/1936, Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng họp và quyết định cử đồng chí Hà Huy Tập, Thư ký Ban Chỉ huy ở nước ngoài về nước để tổ chức Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục các tổ chức đảng trong nước. Ngày 12/10/1936, đồng chí Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tại hội nghị này, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trong thời gian gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã triệt để khai thác những thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, lặn lội trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức đảng trong nước, sớm hình thành được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời từ tháng 10/1936; triệu tập và chủ trì 3 Hội nghị Trung ương (3/1937, 9/1937, 3/1938) để vừa tổng kết tình hình, vừa đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, từng bước đưa phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên những bước mới.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội thời kỳ Mặt trận dân chủ, là nhà lý luận chính trị sắc sảo (ngay từ năm 1929, đồng chí đã viết Lịch sử của Tân Việt cách mạng Đảng và năm 1933 đã viết cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương), thời kỳ này đồng chí đã viết bài bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt đang trên tờ Tiền Phong - 1937, Tiến lên - 1937, Dân chúng - 1938, với các bút danh Hồng Thế Công, Thanh Hương, H.Q.V, Hồng Qui Vit, v.v. Thông qua những bài viết của mình, đồng chí luôn đi tiên phong trong mặt trận đấu tranh chính trị và tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng đến đông đảo quần chúng Nhân dân, bảo vệ những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin trước những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các phần tử cơ hội và thù địch (Tờ-rốt-kít, AB-cách mạng đầu lưỡi, giả danh cách mạng).
Ngày 1/5/1938, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Tháng 3/1939, thực dân Pháp trục xuất đồng chí Hà Huy Tập khỏi Nam Kỳ và đưa về Hà Tĩnh quản thúc. Đến tháng 8/1940 đồng chí bị bắt lại. Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ (11/1940), ngày 25/3/1941, Tòa án binh Pháp gán tội "chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Ngày 28/8/1941, đồng chí Hà Huy Tập bị địch xử bắn tại Ngã tư Giếng Nước ở Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Trước họng súng của kẻ thù, đồng chí vẫn bình thản hô vang: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động!” Nghị lực, ý chí kiên cường của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã nêu tấm gương sáng, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ cộng sản và các tầng lớp Nhân dân.
Hà Huy Tập - một nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, đã có công lao to lớn trong việc khôi phục tổ chức và ban lãnh đạo của Đảng trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khi phong trào bị phá vỡ sau cao trào 1930-1931, chuẩn bị và tổ chức Đại Đảng lần thứ I, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lãnh đạo Đảng suốt 4 năm liền. Người là một cây lý luận giàu tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, lý luận; một tấm gương kiên trung, bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Đánh giá công lao của đồng chí và các nhà cách mạng tiền bối, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng, ngày 11/2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.
Noi gương Tổng Bí thư Hà Huy Tập, phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Nguyễn Văn Thanh
Tài liệu tham khảo:
(1) Đặng Huy Báu (chủ biên): Lịch sử Hà Tĩnh, t.1, (1930-1945), 1998;
(2) Hà Huy Tập –Tiểu sử, NXB, CTQG, HN, năm 2006;
(3) Toàn văn Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, Tạp chí Cộng sản số 959 (2/2021).