Kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2021):

Phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ sáu, 07/05/2021 09:37
Cách đây 67 năm (7/5/1954-7/5/2021), tại Điện Biên Phủ - trên cánh đồng lòng chảo Mường Thanh, thuộc miền rừng núi Tây Bắc, diễn ra trận quyết chiến chiến lược với kẻ thù xâm lược, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng này để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho hậu thế.

Hào khí Điện biên phủ

Theo dõi chiến dịch Điện Biên phủ, nhà thơ Tố Hữu, xúc động viết:

“…Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

 Máu trộn bùn non

 Gan không núng

 Chí không mòn!

 Những đồng chí thân chôn làm giá súng

 Đầu bịt lỗ châu mai

 Băng mình qua núi thép gai

 Ào ào vũ bão,

 Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

 Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...

 Những bàn tay xẻ núi lăn bom

 Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện

Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến

 Mấy tầng mây gió lớn mưa to

 Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ

 Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát

 Dù bom đạn xương tan, thịt nát

 Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”

Vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ nêu trên, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân dân ta cuối cùng đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ 20 trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khơi dậy sức mạnh dân tộc tự lập tự cường, ý chí quyết thắng của người Việt Nam.

Sau chiến thắng lẫy lừng này, các nhà lãnh đạo, chuyên gia đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cụ thể như: i) Tôn trọng thực tế, nắm chắc thực tiễn, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược, quyết sách đúng đắn; lựa chọn mục tiêu tác chiến phù hợp. ii) Kịp thời thay đổi phương châm tác chiến phù hợp với tình hình thực tế; kịp thời sáng tạo trong hành động để đạt được mục đích cao nhất. iii) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng. iiii) Tăng cường quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè quốc tế…

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế-xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân. Ảnh: VGP

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến thực hiện mục tiêu ‘kép’

Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với vô số khó khăn. Đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và trong nước với biến chủng mới của virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh, khó phát hiện.

Tính đến ngày 06/5, thế giới đã ghi nhận gần 156 triệu ca nhiễm, hơn 3,2 triệu người tử vong. Tình hình dịch tại một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng nhiều ca mắc mới mỗi ngày.

Tại Việt Nam, đến 6/5, tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là 3.030 trường hợp, 2.560 bệnh nhân khỏi bệnh. Tính từ ngày 27/4 đến nay có 64 ca lây nhiễm trong nước. Đồng thời, việc nhập cảnh, cư trú trái phép có xu hướng tăng; xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân;.

Về kinh tế - xã hội, bên cạnh những tín hiệu tốt, tích cực nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán của dịch COVID-19, tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước; nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ có giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thách thức không nhỏ trong thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống đại dịch COVID-19 thành công; vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế.

 Tại phiên họp Chính phủ ngay sau khi kiện toàn (ngày 16/4) các thành viên Chính phủ thống nhất xác định cần phải đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu quả; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dây và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.

Phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp. Hành động phải quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân…

Đối với việc phòng chống đại dịch COVID-19, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế-xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

Tin rằng với sự quyết tâm, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển nền kinh tế như các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra như cha ông chúng ta đã làm trong chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc./.


 Theo VGP News

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra