Phiên họp thứ 33 của UBTVQH: Có nên can dự vào tranh chấp dân sự?

Thứ bảy, 21/08/2010 09:22
Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ QH đã chính thức khai mạc hôm qua, 20-8. Trong buổi sáng ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bảo vệ người tiêu dùng như thế nào là chuyện không đơn giản

Trong số những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự thảo luật, UBTVQH đặc biệt lưu ý đến những quy định về nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế, hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND địa phương có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo luật cũng quy định, một trong những phương thức giải quyết tranh chấp là thông qua cơ quan công quyền (đối với các vụ việc có giá trị nhỏ, tính chất đơn giản, rõ ràng). Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quan điểm này. Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba nói: “Không khéo rồi cơ quan hành chính tối ngày đi giải quyết những tranh chấp loại này. Mà khi cơ quan hành chính ra quyết định giải quyết rồi thì ai có trách nhiệm thi hành, rất dễ trở thành điểm nóng khiếu nại”. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận yêu cầu đảm bảo nguyên tắc Nhà nước chỉ bảo vệ lợi ích dân sự thông qua việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm... chứ không thể tham gia giải quyết vụ việc dân sự.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng có quan điểm dung hòa hơn khi cho rằng, trong điều kiện cụ thể của nước ta, một số vụ việc dân sự đã và đang được cơ quan hành chính Nhà nước giải quyết. Mặc dù vậy, trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi không thương lượng được thì chỉ nên lựa chọn giữa 2 cách, hoặc sử dụng trọng tài thương mại, hoặc đưa ra tòa án. “Đưa UBND cấp huyện vào giải quyết những vụ việc này rất phức tạp. Người tiêu dùng biết gặp ai khi lên UBND huyện?” - ông Vượng băn khoăn.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải thích, người tiêu dùng là nhóm người yếu thế cần được bảo vệ, bởi vậy rất cần sự tham gia của cơ quan Nhà nước trong giải quyết tranh chấp. Mặt khác, hiện nay việc áp dụng các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự tại Việt Nam để giải quyết tranh chấp còn nhiều điểm phức tạp, kéo dài khiến người tiêu dùng khó khăn và có tâm lý e ngại, không muốn khởi kiện. Về câu hỏi của ông Trần Thế Vượng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp, phòng kinh tế cấp huyện sẽ là nơi tiếp nhận và xử lý những tranh chấp có giá trị dưới 10 triệu đồng. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận vẫn chưa hài lòng: “Không nên biến cơ quan hành chính thành cơ quan tài phán và biến người làm chuyên môn thành nhà tài phán”.

Một số nội dung khác trong dự thảo luật cũng được các thành viên UBTVQH đề nghị cần cân nhắc kỹ hơn. Đơn cử là các quy định về địa vị pháp lý, trách nhiệm của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận xét, việc thành lập Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng cách thể hiện trong dự thảo là chưa ổn. “Phải có đối tượng cụ thể cần được bảo vệ, Hiệp hội mới thay mặt họ khởi kiện nhà sản xuất, kinh doanh, chứ không thể tự nhiên đứng ra khởi kiện được”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu ví dụ.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chốt lại vấn đề: “Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tưởng là dễ hóa ra rất khó". Ông yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh các nội dung đã được góp ý để hoàn thiện dự luật, trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Đối ngoại đã báo cáo với UBTVQH về việc Việt Nam ký và phê chuẩn Công ước Lahay ngày 29-5-1993 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Công ước Lahay 1993 chủ yếu đưa ra khung pháp lý cho việc hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Tính đến nay Công ước đã có 80 nước thành viên, trong đó nước cho trẻ em làm con nuôi chiếm khoảng 60%. Một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan,  Campuchia, Philippines, Ấn Độ... đều đã là thành viên của Công ước.

 

Theo anninhthudo.vn

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra