Ở miền Nam, thực dân Pháp đã chiếm phần lớn Nam Bộ và Tây Nguyên. Ở Miền Bắc, thực dân Pháp đã chiếm nhiều nơi ở Tây Bắc. Cùng lúc ấy, Việt Cách (1) thừa “nước đục thả câu” gây sức ép với chính quyền cách mạng. Đặc biệt, cơ quan ngôn luận của Việt Cách đưa danh sách những người đã tham gia nội các Trần Trọng Kim (2) trước đó để đề nghị Quốc hội chọn họ vào Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng của Chính phủ mới trước khi Quốc hội họp. Đây là một đòi hỏi vô lý vì đã có cuộc Tổng tuyển cử của toàn dân, Chính phủ phải do Nhân dân bầu ra mới là Chính phủ hợp pháp. Việc đòi hỏi này có nghĩa họ phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội mà Nhân dân Việt Nam mới tiến hành thành công. Càng gần đến ngày Quốc hội chính thức họp phiên đầu tiên, tình hình trong nước càng diễn biến phức tạp. Thực dân Pháp đã chiếm gần hết Nam Bộ và Nam trung Bộ, Campuchia và phần lớn lãnh thổ Lào. Quân Tưởng vẫn chưa rút lui và đóng ở vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Cùng lúc ấy, tàu chiến của thực dân Pháp đã đi vào vịnh Bắc Bộ. Một không khí chuẩn bị kháng chiến bao trùm toàn quốc. Đặc biệt sau cuộc tiếp xúc giữa đại diện Chính phủ ta và đại diện Chính phủ Pháp, các nhóm Việt Quốc (3), Việt Cách đã vu cáo Chính phủ Việt Nam khi ấy bán nước nhằm đánh lừa Nhân dân và thực hiện mưu đồ thâm độc của họ. Kỳ họp lần thứ nhất của Quốc Hội khóa I đã được triệu tập trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” ấy.
Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: TL
Lúc đầu, Hội đồng Chính phủ (Liên hiệp Việt Nam lâm thời) dự kiến kỳ họp thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày 3/3/1946 và đã chuẩn bị những điều kiện để kỳ họp diễn ra thành công. Hội đồng Chính phủ đã nêu vấn đề là các đảng phái phải gặp gỡ để thống nhất thành phần Chính phủ cũng như phân chia các ghế bộ trưởng trong Chính phủ. Trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ngày 21/2/1946, Hồ Chủ tịch báo cáo dự kiến Chính phủ mới sẽ được thành lập với 10 bộ và có 4 đảng phái sẽ tham gia theo tỷ lệ mỗi đảng 2 ghế bộ trưởng, riêng 2 bộ Nội vụ (nay là Công an) và Quốc phòng sẽ do hai thành viên là người không đảng phái nắm giữ. Quốc hội cũng sẽ thành lập Ủy ban kháng chiến và Đoàn Cố vấn.
Sáng 2/3/1946, gần 300 đại biểu Quốc hội đã tập trung về Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Một số đại biểu ở miền Nam chưa kịp đến vì nhiều lý do khác nhau. Phó Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1/1/1946) lấy lý do sức khỏe không tham dự. Chính giữa diễn đàn Nhà hát lớn treo cờ đỏ sao vàng và hai bên treo cờ của các đảng phái và nổi bật là khẩu hiệu "Kháng chiến - Kiến quốc". Đúng 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Liên hiệp lâm thời bước lên diễn đàn. Nhạc "Tiến quân ca" và "Hồn tử sĩ" được vang lên. Nhân danh Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc toàn quốc đại hội đại biểu, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Tổng tuyển cử bầu ra. Báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ ý nghĩa thắng lợi của Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 chính là đã "tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết, nhất trí".
Quốc hội thảo luận về thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Đại biểu quốc hội cao tuổi nhất – cụ Ngô Tử Hạ đề cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch. Quốc hội đã giơ tay thống nhất với đề xuất này và giao cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch thành lập Chính phủ mới. Vào lúc 10 giờ, khi báo cáo việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Người nói: "Chính phủ này ra mắt gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới được nhanh chóng như thế". Thành phần Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng; Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến; Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh; Bộ trưởng Bộ Xã hội, kiêm Y tế, Cứu quốc và Lao động Trương Đình Tri; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai; Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Trần Đăng Khoa; Bộ trưởng Bộ Canh nông Bồ Xuân Luật. Cố vấn đoàn do cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ đảm nhiệm. Kháng chiến Ủy viên hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch. Quốc hội công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn và Kháng chiến ủy viên hội. Toàn thể đại biểu Quốc hội đứng dậy nhận lời thề của các cơ quan trên do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc.
Nhìn vào thành phần Chính phủ trên cho thấy ngoài Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, còn lại Việt Minh chỉ nắm 2 ghế bộ trưởng là Giáo dục và Tài Chính. Hai bộ Quốc Phòng và Nội vụ do hai nhân sĩ nổi tiếng là người không đảng phái nắm giữ: Cụ Huỳnh Thúc Kháng – Bộ trưởng Nội vụ và Luật sư Phan Anh – Bộ trưởng Quốc phòng. Việt Cách nắm ghế Phó Chủ tịch và 2 bộ là Bộ trưởng Bộ Xã hội, kiêm Y tế, Cứu quốc và Lao động và Bộ Canh Nông; Việt Quốc nắm 2 ghế là Ngoại giao và Kinh tế; Dân chủ nắm 2 ghế là Giao thông Công chính và Tư pháp. Đặc biệt Đoàn Cố vấn do ông Vĩnh Thụy – tức cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu.
Trong rất nhiều thành quả mà Quốc hội khóa I đem lại, việc thành lập các Chính phủ, trong đó có Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam được thành lập ngày 2/3/1946 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Chính phủ này đã kết thúc sứ mệnh và được thay thế bằng Chính phủ Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được thành lập sau đó vào ngày 3/11/1946./.
TS.Vũ Trung Kiên
Học viện Chính trị Khu vực 2
Chú thích:
(1) Việt Cách hay còn gọi là Việt Nam cách mạng Đồng minh hội là tổ chức thân Trung Hoa Dân Quốc bao gồm nhiều tổ chức chính trị hoạt động bí mật tại Việt Nam và có cơ sở tại Trung Quốc;
(2) Ngày 9/3/1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp nhằm độc chiếm Việt Nam, dựng lên Chính phủ Trần Trọng Kim phục vụ cho việc chiếm đóng của quân đội Nhật. Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, từ ngày 17/4/1945 đến ngày 25/8/1945 (tính cả thời gian xử lý thường vụ). Trần Trọng Kim và một số trí thức có tiếng tăm được giao thành lập nội các ở Huế vào ngày 17/4/1945. Đây là một dạng Chính phủ Nghị viện đầu tiên tại Việt Nam và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam;
(3) Việt Quốc hay còn gọi là Việt Nam Quốc dân Đảng là chính đảng được thành lập năm 1927 tại Hà Nội. Sau năm 1975, tại Việt Nam, tổ chức này bị cấm hoạt động, hầu như chỉ hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.