Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: TTXVN
Tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách
Sáng 15.7, trình bày báo cáo tổng kết tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp. Cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân.
Theo đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%). Trong đó cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra.
Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền các cấp để nắm tình hình, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ bầu cử. Lực lượng Công an đã xây dựng, triển khai phương án bố trí, phân công 123.047 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn 100% khu vực bỏ phiếu trong ngày bầu cử.
Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tính đến 17h ngày 2.7, Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận tổng số 220 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về bầu cử và ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, giảm 22% so với kỳ bầu cử trước. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là các đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn thư gửi Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ bằng 18% so với kỳ bầu cử trước.
Nêu một số bất cập, hạn chế, ông Trần Thanh Mẫn thông tin, việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú. Ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định.
Hạn chế tiếp theo là cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, một số trường hợp nhân sự do Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử nhưng không trúng cử đại biểu Quốc hội. Cụ thể, Trung ương giới thiệu về TP.HCM 13 người, nhưng có 6 người không trúng cử; giới thiệu về Sóc Trăng 3 người, nhưng có 1 người không trúng cử; Trà Vinh, Vĩnh Long mỗi tỉnh được Trung ương giới thiệu 2 người, nhưng mỗi tỉnh chỉ có 1 người trúng cử.
Tuy nhiên, Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá, những sai sót, khiếm khuyết nói trên chỉ là cá biệt và đều đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Cuộc bầu cử thu hút sự quan tâm của cả nước và quốc tế
Về phía Chính phủ, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cuộc bầu cử vừa qua rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của cả nước và quốc tế. Đã có nhiều khó khăn, thách thức khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch COVID-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.
Song song với việc tập trung chỉ đạo công tác bầu cử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát diễn biến tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, quyết tâm, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép. Các Bộ, ngành, các địa phương theo phạm vi, quyền hạn đã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Theo Lao động