Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về tổ chức, phương thức hoạt động
Thứ hai, 09/10/2023 16:07 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Đây là chủ đề Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng ngày 10/9, tại Nhà Quốc hội. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì Hội thảo.
|
|
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển khai Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về những đổi mới và phát triển về mặt tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội qua 15 năm nhiệm kỳ. Qua đó, làm rõ những hạn chế, bất cập cũng như những bài học kinh nghiệm; làm rõ yêu cầu và những giải pháp tiếp tục đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận, góp ý làm rõ những nội dung cụ thể về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2015; thành tựu, hạn chế và đề xuất phương hướng hoàn thiện giai đoạn 2030 - 2045; sự kế thừa, đổi mới và phát triển về phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội qua các thời kỳ; thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm…
|
|
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm nhiều nhất đó là đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong đó cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Theo PGS. TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII, tổ chức bộ máy Quốc hội giai đoạn 2023 - 2030 cần tiếp tục giảm số lượng đại biểu Quốc hội từ các cơ quan lập pháp và hành pháp; tăng hợp lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phấn đấu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI đạt 60% trên tổng số đại biểu Quốc hội.
Cùng quan điểm này, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn 2030 - 2045, cần chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội vì đây là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Theo đó, cần tiếp tục tăng thêm số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiếm ít nhất là 50% tổng số đại biểu Quốc hội.
Có thể khẳng định, Hội thảo là một hoạt động của Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam.
Qua 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển với 14 nhiệm kỳ đã qua và đang trong nhiệm kỳ 15, Quốc hội Việt Nam luôn thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng mà Đảng và Nhân dân giao phó là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Bước vào giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ, mục tiêu to lớn được đề ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động để luôn là một Quốc hội “đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân”.
PGS. TS Lê Minh Thông
Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII
|
Minh Nguyệt