 |
Cầu Đen gãy nhịp, khiến 33.000 dân Gò Nổi khốn đốn. Ảnh: T.T.T |
Sập cầu do bất cẩn
Cầu Đen bắc qua sông Thu Bồn, trên tuyến đường ĐT610B - nối vùng Gò Nổi nằm giữa sông gồm 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang thuộc huyện Điện Bàn và một phần thị trấn Nam Phước - thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) với bên ngoài. Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngày 6.11, cầu Đen bị sụt lún 2 trụ số 6-7 và nhịp cầu ở giữa theo đó bị nứt, có nguy cơ đổ sập, phải tạm dừng lưu thông. Sau mưa lũ, Sở GTVT Quảng Nam giao Xí nghiệp quản lý đường bộ số 4 tạm khắc phục bằng cách dùng dầm bailey nối trên cầu cũ từ trụ số 4-7.
Đến sáng 3.12, người đi bộ, xe máy, xe đạp được cho đi lại qua cầu. Theo người dân địa phương, ngay sau khi được phép lưu thông tạm thời, cầu đã có dấu hiệu mất an toàn, bởi nhịp dầm cầu luôn rung rinh mỗi khi phương tiện qua lại, đặc biệt thời điểm tập trung nhiều người và xe, cầu như muốn oằn đổ xuống sông. Đồng thời, đoạn khớp nối mặt cầu cũ và dầm bailey có dốc cao nên xe cộ lên xuống rất khó khăn, đã xảy ra 4 vụ tai nạn.
Chiều cùng ngày (3.12) - lúc 16h, đơn vị thi công cho đổ 2 xe tải đá trên mặt cầu để giảm độ dốc, thì xảy ra sự cố gãy nhịp, sập cầu, giàn bailey cũng rơi thẳng xuống sông. 5 công nhân đang làm việc trên mặt cầu kịp thời chạy thoát. 1 ghe máy chở rất đông người cũng vừa vượt qua cầu hú vía ngoảnh nhìn cảnh sụp đổ phía sau. Tại hiện trường, nhiều trụ cầu bằng bêtông bị gãy gập, khoảng 100m nhịp cầu bị đứt lìa một đầu rơi chúi xuống lòng sông, mặt cầu còn lại tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt mới. Các tuyến cáp viễn thông, cáp quang và đường ống dẫn nước sinh hoạt đứt hoàn toàn.
3 vạn dân khốn đốn
Cầu Đen gãy khiến 33.000 người dân Gò Nổi đứt hoàn toàn giao thông đường bộ ra bên ngoài. Mọi hoạt động giao thương buôn bán với bên ngoài gần như bị ngừng trệ. Một nhà máy chế biến hàng đông lạnh với 2.000 công nhân bên trong Gò Nổi phải ngừng hoạt động vì thiếu nguyên vật liệu. Các cây xăng đều đóng cửa, xe hết xăng, gas giữa chừng đành đứng bánh.
Do “bí đường” gần cả tháng, giá cả hàng hoá ở Gò Nổi tăng chóng mặt. Các tư thương cho biết, giá mỗi tấn hàng chuyển đến Gò Nổi giờ phải đội lên thêm khoảng 100.000 đồng, do phải “tăngbo”, bốc vác... qua sông, lên xuống bến. Nhiều nông dân la trời vì vùng Gò Nổi đang vào mùa gieo sạ, nhưng giá giống, phân bón, những mặt hàng thiết yếu tăng vọt, lại khan hiếm, phải mất cả buổi chờ đò vượt sông mới mua được hàng.
Từ chiều 3.12, sau khi cầu gãy, người dân và cả tư thương tự lập bến bãi, dùng đò, vượt sông. Các chuyến đò dã chiến chen chúc người, xe, hàng hoá, nguy cơ xảy ra thảm hoạ rất lớn.
Theo ông Trương Văn Cận - GĐ Sở GTVT Quảng Nam - sau sự cố, sở đã chỉ đạo các đơn vị lập tức phong toả hoàn toàn cây cầu để đảm bảo an toàn, đồng thời lên phương án sửa chữa, gia cố cầu Đen, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về công tác khắc phục, xin bổ sung kinh phí và tăng cường trang thiết bị máy móc hiện đại để trục vớt lên bờ nhịp cầu cùng giàn bailey gãy rớt dưới sông.
Để đảm bảo an toàn việc đi lại qua sông, sáng 4.12, ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đã yêu cầu huyện Điện Bàn và Duy Xuyên phối hợp lập bến mới, điều động, cấp đầy đủ phao cứu sinh và quản lý chặt 6 phương tiện đò ngang có công suất lớn từ xã Duy Nghĩa và Duy Hải đến đưa đón người dân tại cầu Đen. Ông Thu cho biết, tỉnh đang liên hệ với các cơ quan, đơn vị liên quan, để mượn cầu phao của quân đội lập tuyến đường tạm qua sông, đồng thời tính toán giải pháp mượn, thi công giàn cầu tạm dầm bailey nối qua cầu cũ.
Tuy nhiên đây vẫn là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài, phải xây cầu mới - dự kiến kinh phí khoảng 88 tỉ đồng, tỉnh đang tính toán quyết định. Về việc cầu Đen mới đưa vào sử dụng năm 2001 chưa đầy 10 năm đã xuống cấp, xảy ra sự cố, ông Thu cho biết, khi khảo sát thiết kế xây dựng cầu, từ trước đã phát hiện kết cấu địa tầng bên dưới lòng sông không bền vững, nhưng do thiếu kinh phí nên vẫn phải thực hiện việc xây cầu tại vị trí này.
Theo Laodong.com.vn