Sáng ngày 10/4, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề Quý I năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 424 điểm cầu trong toàn Đảng bộ nhằm cập nhật kiến thức cho 17.350 cán bộ, đảng viên.
|
|
Đồng chí Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì điểm cầu trực tuyến tại Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung |
Điểm cầu trực tuyến tại Trụ sở Thanh tra Chính phủ có các đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Lê Sỹ Bảy, Dương Quốc Huy; các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; thành viên Ban chỉ đạo 35 Đảng bộ; Trưởng các đoàn thể; cấp ủy các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Thanh tra Chính phủ.
|
|
Từ trái sang phải: đồng chí Lê Sỹ Bảy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; đồng chí Nguyễn Mạnh Hường, Cục trưởng Cục II, Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe 02 chuyên đề:
Chuyên đề thứ nhất có chủ đề: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày.
Chuyên đề này nhằm phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là tổng kết lý luận về đường lối đối mới và những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính qui luật từ thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc, nghiên cứu kỹ bài học kinh nghiệm đầu tiên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng.
Chuyên đề thứ hai có chủ đề: “Một số giải pháp góp phần thúc đẩy cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” do đồng chí Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ trình bày.
Đây là nội dung cụ thể hóa Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị cấp ủy các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, học tập và đúc rút ra bài học kinh nghiệm từ quan điểm của Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Từ đó vận dụng vào thực tiễn, nhằm thúc đẩy trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt hiệu quả chất lượng cao.
|
|
Quang cảnh điểm cầu trung tâm tại Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Ảnh: PV |
Ngoài ra, các cán bộ, đảng viên cần hiểu rõ nội hàm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” để cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên tham mưu cho đúng, trúng, mang lại hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cho đơn vị mình.
Trong đó, “dám nghĩ” là việc đưa ra những ý tưởng mới, độc đáo, đột phá, sáng tạo so với trước đó. Những ý tưởng mới này sẽ tạo nên sự thay đổi về cách làm, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của tổ chức; có ảnh hưởng, tác động tích cực cho tổ chức, cho nhiều người.
“Dám nói” là thể hiện chính kiến, quan điểm, thái độ dứt khoát trong bày tỏ quan điểm của một người trước sự đúng - sai, tốt - xấu của một người, một việc;
“Dám làm” là thể hiện sự dấn thân, quyết liệt, quyết tâm của một người khi dám vượt qua những quy định, quy chế để biến ý tưởng thành hành động nhằm đạt được những mục tiêu đề ra vì lợi ích chung, vì sự phát triển chung của xã hội;
“Dám chịu trách nhiệm” là dám nhận nhiệm vụ, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, dám đối mặt với khó khăn, thách thức và cả những rủi ro ngoài ý muốn để hoàn thành nhiệm vụ;
“Dám đổi mới sáng tạo”: Đổi mới gắn liền với sáng tạo và cần phải đổi mới sáng tạo vì nếu không đổi mới sáng tạo thì sẽ không thể tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao;
“Dám đương đầu với khó khăn, thử thách”: “Đương đầu” là đối mặt, chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để chủ động đối phó với mọi thách thức, khó khăn mà thực tiễn đặt ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao;
“Dám hành động vì lợi ích chung”: Dám hành động không phải để đem lại lợi ích cho cá nhân, mà đem lại lợi ích chung.
Như vậy thực hiện tinh thần “7 dám” vừa là giải pháp rất quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên khối các cơ quan Trung ương vừa góp phần tích cực đấu tranh phòng chống suy thoái “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng thời, lấy “7 dám” soi rọi vào từng cương vị chức trách, nhiệm vụ cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu thiếu hoặc coi nhẹ, cán bộ không những không hoàn thành nhiệm vụ mà dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, nếu thiếu đi một “dám” sẽ tác động ảnh hưởng đến phẩm chất còn lại.
"Thiếu càng nhiều “dám” sẽ dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, là một bước ngắn dẫn đến tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống" - đồng chí Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (11/4/2007-11/4/2024) và hướng tới Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/4/2024); Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024).
Đây là Hội nghị có ý nghĩa thiết thực, là đợt sinh hoạt chính trị về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, nhằm khơi dậy niềm tự hào, niềm tin son sắt của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, tạo sức lan tỏa, củng cố niềm tin, đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
|
K. Dung