Học sinh của Hà Nội sẽ tạm dừng đến trường từ 4.5 để phòng dịch. Ảnh minh họa: Sơn Tùng
Băn khoăn việc tổ chức kiểm tra học kỳ II cho học sinh
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có thông báo tới các đơn vị, trường học cho trẻ mầm non; học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; học viên giáo dục thường xuyên và học viên các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hoá, bồi dưỡng kỹ năng, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường từ ngày 4.5.2021 đến khi có thông báo mới của thành phố.
Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường, để phòng, chống dịch COVID-19, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến qua Internet.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng lưu ý, đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học; việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực tế tại Hà Nội, đến thời điểm này, gần như các trường đã hoàn thành việc đánh giá thường xuyên đối với học sinh để lấy các đầu điểm theo quy định. Hiện chỉ còn việc kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II là chưa kịp tiến hành, hoặc chưa kiểm tra xong tất cả các môn.
Theo lãnh đạo Trường THCS thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), nhà trường đã có phương án tổ chức dạy học trực tuyến từ ngày 4.5 theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Học sinh khối 9 đã hoàn thành bài kiểm tra học kỳ II, đang tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.
Với học sinh của các khối lớp còn lại, nhà trường dự kiến sẽ hoàn thành bài kiểm tra học kỳ II chậm nhất vào ngày 13.5.2021. Tuy nhiên, với việc chưa thể quay trở lại trường, nên nhà trường chưa chuẩn bị “kịch bản” cho việc kiểm tra cuối học kỳ sẽ tiến hành ra sao.
Hiện các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang băn khoăn và cho biết sẽ chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng về việc tiến hành kiểm tra cuối học kỳ II cho học sinh.
Cuối tháng 4 vừa qua, học sinh Trường phổ thông liên cấp Olympia đã làm một dự án để lấy điểm kiểm tra giữa và cuối học kỳ II cho cả 5 môn học. Ảnh: PV
Chủ động lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp
Về việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trong điều kiện dịch bệnh, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - cho biết, theo khung kế hoạch năm học 2020-2021 cho các bậc giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên do Bộ GDĐT ban hành, các cơ sở giáo dục sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25.5.2021, kết thúc năm học trước ngày 31.5.2021.
Trong trường hợp học sinh không thể đến trường để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 thì địa phương sẽ áp dụng Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, các địa phương sẽ căn cứ vào thông tư này và chủ động thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh, đảm bảo hoàn thành chương trình và kết thúc thời gian học theo khung chương trình của Bộ GDĐT.
Bên cạnh đó, trong thời điểm kết thúc môn học, tổ chức đánh giá cuối kỳ mà học sinh không thể đến trường vì lý do bất khả kháng thì các trường có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến.
Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên đã quy định rõ, các trường chủ động và phải có biện pháp đảm bảo việc đánh giá đó là khách quan, chính xác đúng năng lực học sinh. Các trường cần chủ động đề ra phương án để giám sát quá trình kiểm tra trực tuyến.
Ngoài ra, thời gian qua, Bộ GDĐT có nhiều đổi mới trong việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh.
Theo đó, tại Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân, như bằng hình thức làm bài thực hành, dự án học tập… thay vì làm bài kiểm tra trên giấy như trước.
Việc này sẽ giúp học sinh phát huy được năng lực, khả năng sáng tạo, cũng như vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, thay vì học thuộc lòng kiến thức.
Theo Laodong.vn