Áp dụng công nghệ thông tin và công khai bản án:

Tăng cường tính liêm chính của toà án

Thứ sáu, 24/07/2020 09:31
(ThanhtraVietNam) - Đây là một trong những kết quả chính của nghiên cứu: “Những thực tiễn tốt về thủ tục hành chính (TTHC) tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của tòa án”, được thảo luận tại một hội thảo cùng tên ở Hà Nội ngày 23/7 do Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức.

Từ năm 2005, ngành Toà án đã xác định “đổi mới TTHC tư pháp tại Toà án theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện để người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện của họ trước Toà án, người dân khởi kiện ở một Toà án, Toà án có trách nhiệm xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào để chuyển hồ sơ và thông báo cho người khởi kiện biết; công khai hoá thủ tục tiếp cận hồ sơ, cung cấp tài liệu, thông tin, trích lục bản án, quyết định của Toà án theo quy định của pháp luật”.

Trong những năm gần đây, nhiều Toà án địa phương và Toà án cấp cao đã triển khai công tác cải cách các TTHC tư pháp, hiện đại hoá trang thông tin điện tử, thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để có thể tìm hiểu, xác định và phát huy được những thực tiễn tốt về cải cách TTHC tư pháp tại Toà án, nghiên cứu được triển khai và tập trung vào bốn nhóm TTHC tư pháp: Thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ án; phân công Thẩm phán tại Toà án; quản lý thời gian giải quyết vụ án; và cấp trích lục, giao, gửi bản án và công khai bản án.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. 

Áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai quy trình giải quyết vụ án hoặc sử dụng phần mềm chuyên biệt giúp quản lý thời gian giải quyết vụ án đem lại những kết quả tích cực trong công tác quản trị Tòa án.

Nghiên cứu cũng cho thấy công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC là một bước chuyển biến quan trọng của hệ thống TAND, thúc đẩy tính liêm chính, minh bạch, tăng cường thực thi công lý, tôn trọng nhân quyền của ngành Toà án. Thêm vào đó, công khai bản án cũng giúp cho việc phát triển án lệ, thống nhất áp dụng pháp luật trên toàn quốc.

Nghiên cứu do UNDP thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh trong bối cảnh có những cải cách mạnh mẽ như đã nêu ở trên nhằm nâng cao khả năng tiếp cận công lý, minh bạch hoạt động và tính liêm chính của Toà án.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ tòa án nhân dân cấp tỉnh, quận, huyện; các luật sư; các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho báo cáo nghiên cứu. Báo cáo sẽ được hoàn thiện và trở thành tài liệu tham khảo quý giá cho các cấp tòa án trong quá trình cải cách TTHC tư pháp, tăng cường tính liêm chính của hệ thống tòa án.

Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm của Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN”, được Quỹ Thịnh vượng Vương Quốc Anh tài trợ cho khu vực Đông Nam Á thuộc Chương trình cải cách kinh tế, do UNDP hợp tác với Chính phủ Anh thực hiện từ năm 2018 – 2021 nhằm hỗ trợ cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo bà Catherine Phuong, Trợ lý Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Ở mọi quốc gia, tòa án có vai trò trung tâm trong việc thực thi luật pháp và đảm bảo tiếp cận công lý. Tăng cường khả năng tiếp cận công lý là một mục tiêu chính của các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu 16 về hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ, UNDP sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam để cải thiện liêm chính tư pháp”./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra