Thanh tra Chính phủ kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam

Thứ tư, 23/11/2022 11:33
(ThanhtraVietNam) – Sáng 23/11/2022, trong không khí toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức buổi gặp mặt ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra Việt Nam trong 77 năm qua; phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết, ra sức thi đua, không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.

Buổi gặp mặt được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Thanh tra Chính phủ và kết hợp trực tuyến với điểm cầu ngoài Hà Nội.

Tham dự buổi gặp mặt có Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và đông đảo công chức, viên chức, người lao động của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

Thay mặt lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã phát biểu ôn lại quá trình 77 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra Việt Nam.

Theo đó, cách đây 77 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Ngày 23/11/1945, đã đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày Truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

Việc thành lập Ban thanh tra đặc biệt thể hiện vai trò và sự cần thiết của công tác thanh tra đối với chính quyền ngay từ buổi đầu mới thành lập; thanh tra trở thành một chức năng thiết yếu của quản lý và là một thiết chế giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc các cấp chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý các vi phạm pháp luật góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Trong suốt 77 năm xây dựng, trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt (1945-1948), Ban Thanh tra Chính phủ (1949-1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955-1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961-1983), Ủy ban Thanh tra nhà nước (1984-1989), Thanh tra nhà nước (1990-2004), Thanh tra Chính phủ (từ năm 2005 đến nay), nhưng cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm khẳng định, năm 2022 ngành Thanh tra tiếp tục đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và nhà nước giao, nhất là trong công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện thể chế.

Trong công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về thanh tra; đã chủ động trong công tác xây dựng Định hướng chương trình thanh tra; khẩn trương tổ chức thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; linh hoạt thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời triển khai các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC nhất là các cuộc thanh tra đột xuất; tập trung thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc thanh tra đã triển khai từ những năm trước chưa ban hành kết luận. Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra ngày càng được quan tâm; tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau tăng cao hơn năm trước.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và tạo được sự chuyển biến tích cực: nhận thức, trách nhiệm trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên; phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh đã được tập trung giải quyết; công tác đối thoại, hòa giải được coi trọng và ngày càng có hiệu quả; sự phối hợp trong xử lý khiếu nại đông người, vượt cấp ngày càng chặt chẽ; việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật được quan tâm hơn. Điểm nổi bật là tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, góp phần quan trọng làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm dần, nhiều địa phương không phát sinh mới các vụ việc phức tạp, đông người. Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Luật tiếp công dân.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dưới nhiều hình thức; quan tâm tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành trong phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tập trung hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện khá đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nhiều giải pháp được đánh giá là có hiệu quả tích cực. Cùng với công tác phòng ngừa, ngành Thanh tra gắn hoạt động thanh tra với phát hiện và xử lý tham nhũng. Việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng không ngừng được củng cố và tăng cường, qua đó đã thể hiện với cộng đồng quốc tế, đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước về quyết tâm chính trị, hành động thực tế của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng.

Trong thời gian tới, ngành Thanh tra cũng ý thức được rằng cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn tình hình hiện nay của đất nước để có quyết tâm cao hơn, phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra, không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, là phương thức hữu hiệu, sắc bén trong việc phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần tích cực hơn nữa vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại buổi gặp mặt:

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu. Ảnh: NT
leftcenterrightdel
 Đại biểu dự buổi gặp mặt tại điểm cầu Trụ sở chính. Ảnh: NT
leftcenterrightdel
 Không khí phấn khởi trong buổi gặp mặt của công chức, viên chức, người lao động Thanh tra Chính phủ. Ảnh: NT
leftcenterrightdel
 Tiết mục văn nghệ chào mừng do các thanh tra viên Vụ 2 thể hiện
leftcenterrightdel
 Bài hát "Vì nhân dân quên mình" do lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Thanh tra trình bày. Ảnh: Ngọc Bích

Ngô Tân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra