Tại VN, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm được dự báo sẽ tăng. Bộ LĐ-TB-XH cho biết 87.000 người đã đăng ký thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2010, trong đó hơn 12.000 người có độ tuổi dưới 24 và hơn 31.000 người từ 25 - 40 tuổi.
Trong khi đó, tại nhiều nơi ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới, phụ nữ trẻ gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm việc làm so với nam giới.
Năm 2009, tỉ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương ở mức 15,7% so với 14% ở nam giới. Trên toàn cầu, tỉ lệ này là 13,2% đối với nữ giới và 12,9% đối với nam giới.
 |
Kiếm tìm mọi cơ hội để có việc làm. Ảnh giadinh.net.vn |
Năm 2009, tỉ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương ở mức 15,7% so với 14% ở nam giới. Trên toàn cầu, tỉ lệ này là 13,2% đối với nữ giới và 12,9% đối với nam giới.
Điều này rất đáng lo ngại với VN vì theo báo cáo của Tổng LĐLĐ VN, hiện nay tỉ lệ lao động nữ chiếm trên 48% lực lượng CNVC-LĐ cả nước. Ở một số ngành nghề, lao động nữ chiếm tỉ lệ khá cao như: dệt may, da giày (80%); giáo dục (73,6%); y tế (63%); ngân hàng (60%); thủy sản (55%); bưu điện (50%)...
Một thực tế được Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận là ở một số nơi, thị trường lao động phát triển, thậm chí đang thiếu lao động, lại có số người thất nghiệp nhiều nhất. Điển hình như TPHCM có gần 16.000 người được công nhận là thất nghiệp, Bình Dương có 10.513 người, Đồng Nai 3.786 người, Long An 2.273 người...
Lý giải về xu hướng mất việc của thanh niên thế giới, bà Sachiko Yamamoto, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới(ILO) - Văn phòng Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng thanh niên thất nghiệp nhạy cảm đối với cuộc khủng hoảng hơn người trưởng thành.
“Sự phục hồi thị trường việc làm cho thanh niên có xu hướng chậm hơn so với người trưởng thành” - bà Sachiko Yamamoto nhận định.
Báo cáo của ILO cho thấy tỉ lệ thanh niên trên toàn thế giới có khả năng thất nghiệp cao gần gấp ba lần so với người trưởng thành. Thậm chí, trong năm 2009 tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, chênh lệch này là 4,6 lần - mức tồi tệ nhất trên thế giới. Thực trạng này cùng với việc kiểm soát, quản lý lao động nhập cư còn lỏng lẻo, nguy cơ lao động thất nghiệp từ châu Á tràn vào nước ta là khó tránh khỏi.
Theo bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, số người thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên thường chiếm hơn 50% tổng tỉ lệ thất nghiệp. Từ năm 2000, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp là 4,8% nhưng tỉ lệ này đã tăng lên 6% vào năm 2007 và còn có xu hướng tăng.
“Ở nước ta, nhiều người tuy không thất nghiệp nhưng thời gian làm việc ít. Gần 90% lao động nông thôn vẫn đang thiếu việc làm” – bà Hương cho biết./.
Theo nld.com.vn