Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: T.An
Thu hồi tài sản tham nhũng là tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng
Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị yêu cầu nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp. Kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Chỉ thị cũng yêu cầu tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Trao đổi với Lao Động ngày 22.6, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khoá XIV cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhiều vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn đã được xét xử. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng vẫn còn là điểm yếu, bởi hiện nay việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có kết quả tích cực hơn, nhưng tỉ lệ thu hồi còn thấp. Đáng chú ý, công tác thu hồi tài sản, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã có trong quy định. Khâu quan trọng nhất hiện nay là việc tổ chức thực hiện giữa các cơ quan tiến hành tố tụng sao cho hiệu quả nhất, triệt để nhất.
Theo ông Xuyền, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, sự phối hợp công tác kiểm tra của Đảng với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan khác trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Trong đó, cần luật hóa và hoàn thiện hơn các biện pháp tư pháp các cơ quan tố tụng hình sự hiện nay đã được các nhà làm luật trao quyền ưu tiên thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng - kinh tế. Không chỉ áp dụng đa dạng các biện pháp pháp lý, phù hợp với từng hành vi sai phạm cụ thể, các cơ quan này còn được phép khẩn cấp kê biên, phong tỏa tài sản đưa vào hồ sơ vụ án dưới danh nghĩa “vật chứng”. Những tài sản này không chỉ để bảo đảm cho các hoạt động thi hành án về sau, mà còn là căn cứ chứng minh tội phạm, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, định khung, định lượng hình phạt.
“Việc thu hồi tài sản tham nhũng nằm ở chỗ các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra. Trong đó, ngay từ giai đoạn đầu phải được xử lý luôn để tránh thất thoát và bị tẩu tán. Sau khi có quyết định khởi tố điều tra, tạm giam, khám xét thì song song với đó cần điều tra xác minh và phong toả tài sản, tài khoản. Cùng với việc tăng cường công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng thì việc tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng cần nâng cao” - ông Xuyền chia sẻ.
Ông Xuyền cũng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế về quyền sở hữu tài sản hiện nay. Mặc dù luật pháp đã có quy định nhưng vẫn còn kẽ hở khi chứng minh số tài sản rất lớn của một người nào đó. Tuy nhiên, để chứng minh được nguồn gốc của số tài sản đó hợp pháp hay không hợp pháp thì vẫn còn một khoảng trống. Việc này cần nhanh chóng triển khai, nhất là với những khối tài có giá trị lớn, những khối bất động sản. Luật cũng quy định rõ tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Cần coi việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng.
Cũng theo ông Xuyền, hiện nay xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người phạm tội mà còn quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản coi như xử lý chưa triệt để.
Cần coi thu hồi tài sản là một trong những chính sách quan trọng phải ưu tiên hàng đầu trong trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Chính vì vậy, trong quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, cơ quan tố tụng cần cưỡng chế, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn ban đầu để tránh bị tẩu tán.
Đăng ký tài sản sẽ góp phần quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng
Ông Bùi Văn Phương - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khoá XIV cho rằng, nếu có luật đăng ký tài sản sẽ góp phần ngăn chặn việc tẩu tán, ẩn nấp của tài sản tham nhũng. Trong đó, việc đăng ký tài sản là ghi nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, Nhà nước sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản đó cho công dân.
Khi đăng ký tài sản cũng chính là đăng ký quyền bảo hộ, bảo vệ cho tài sản cũng như chủ sở hữu khối tài sản đó. Việc đăng ký tài sản còn góp phần rất lớn trong công tác quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Việc đăng ký tài sản còn có ý nghĩa ngăn chặn hoạt động “rửa” tiền. Nếu thực hiện các quy định này có thể ngăn chặn việc người thực hiện hành vi phạm pháp để có tiền rồi sau đó chuyển tiền cho người khác, từ đó chuyển hoá tiền này thành “tiền sạch”.
Theo ông Phương, trong công tác phòng chống tham nhũng, khi đã có quy định đăng ký tài sản, người đăng ký tài sản mới sẽ phải chứng minh được nguồn gốc. Nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị điều tra hoặc bị tịch thu, xử lý. Nếu làm được như vậy thì không còn đất cho tài sản tham nhũng cất giấu, kể cả theo các hình thức sang tên, chuyển nhượng.
Theo Lao động