Thủ tướng Phạm Minh Chính: Làm tốt truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn

Thứ sáu, 25/11/2022 09:12
Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống.
leftcenterrightdel
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu đều cho rằng, chủ đề hội nghị đã thể hiện rõ về công tác truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực.

Người dân phải tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Và phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam.

Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng nói.

Vì vậy, chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ".

Công tác truyền thông phải đến được với người dân. Hội nghị hôm nay có mục tiêu là làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước; "người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện".

"Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nêu rõ.

Sản phẩm từ Hội nghị sẽ là ban hành một văn bản với hình thức, nội dung phù hợp và kết quả quan trọng là làm sao thống nhất nhận thức, hành động cho đúng, cho trúng, có hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, nhân dân.

Làm gì để tạo chuyển biến mạnh về truyền thông chính sách?

Công tác truyền thông là một việc, một chức năng của chính quyền các cấp, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Chính quyền các cấp cần có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. "Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhìn nhận, trên thực tế chưa có khoản "mũ" cho hoạt động chi ngân sách riêng cho hoạt động truyền thông chính sách. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu vấn đề này trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước.

Việc đặt hàng truyền thông chính sách trên thực tế đã có, nhưng chưa đủ, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách Nhà nước còn eo hẹp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để tăng nguồn ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan truyền thông chính sách của Chính phủ.

Nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yếu tố quan trọng để truyền thông chính sách đi vào cuộc sống là thông tin phải chính thống, công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời điểm và "cởi mở" với xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ mọi hoạt động của Bộ KH&ĐT đều công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết.

Thứ trưởng Bộ Công An Trần Quốc Tỏ nhìn nhận, trong thời gian tới, truyền thông chính sách về an ninh trật tự đứng trước nhiều thách thức mới; nguy cơ sử dụng về công nghệ thông tin để "xâm lấn", "can thiệp", "lấn át" thông tin chính thống; xuất hiện ngày càng nhiều tin giả, tin xấu độc, làm lũng đoạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, gây khó khăn cho công tác định hướng dư luận, hạn chế khả năng gạn lọc thông tin chính thống trong truyền thông chính sách.

Bộ Công an đã thành lập Cục Truyền thông CAND có nhiệm vụ quản lý, tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông CAND từ Bộ tới địa phương.

Bộ đã thiết lập và duy trì các kênh thông tin phát ngôn chính thống trong CAND.

Cùng quan điểm, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, truyền thông được coi là một trong các trụ cột chính của hoạt động NHNN và là kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

"Khi ban hành các chính sách mới, bộ phận truyền thông phải tham gia và hiểu rõ tại sao lại có những quy định thế này, khi chính sách được ban hành phải theo dõi sâu sát…", bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Ý kiến của các cơ quan truyền thông cho rằng, thực tế đòi hỏi để việc truyền thông chính sách thực sự hiệu quả, chất lượng thì phải có nguồn lực từ các bộ, ngành, địa phương thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Mọi chính sách phải đến được với người dân

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

"Các đồng chí thống nhất cao về mục tiêu hội nghị là chúng ta làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân với tinh thần lấy dân làm gốc, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", Thủ tướng nói. Truyền thông chính sách góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thông chính sách phải để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng".

Thủ tướng cho rằng, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.

Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Trên thực tế, một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt thì không tạo đồng thuận cao trong xã hội.

"Có khi ý tưởng tốt, mang lại hiệu quả cao, nhưng truyền thông không tốt thì cuối cùng cũng không làm được", Thủ tướng nêu rõ. Tinh thần là phải làm được, nói được thì mới tốt. Muốn vậy phải thông qua truyền thông.

Theo Thủ tướng, thông qua truyền thông, phản ánh của dư luận về một số chính sách không phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung chúng ta thực hiện, vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật.

Truyền thông chính sách là một phần quan trọng trong hoạt động truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng, bao gồm truyền thông về chính trị, truyền thông về chính sách, truyền thông về nhân sự, truyền thông về tổ chức và các công tác khác khi chúng ta cần có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. 

Truyền thông chính sách là khâu quan trọng trong quá trình ban hành chính sách, như chính sách ban hành phải được quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện, dựa trên nguyên tắc bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Chính phủ xác định công tác truyền thông chính sách có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giáo dục chính sách pháp luật.

"Một trong những mục tiêu của truyền thông phải là xây dựng được niềm tin của người dân", Thủ tướng nêu rõ. Muốn có niềm tin thì phải nói đi đôi với làm.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu gắn công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

 Muốn truyền thông tốt phải có chất liệu tốt

Cho rằng muốn truyền thông thì phải có chất liệu, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực, Thủ tướng lấy ví dụ về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, chất liệu là hiệu quả miễn dịch giảm đi theo thời gian, tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, những người không tiêm, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền, rất dễ chuyển nặng và tử vong… và những số liệu về tỉ lệ người chuyển nặng và tử vong rất cao trong số người chưa tiêm vaccine.

Theo Thủ tướng, công tác truyền thông chính sách cần được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Công tác truyền thông chính sách cần được tiến hành khoa học, bài bản. "Làm truyền thông giỏi phải dựa trên khoa học, có tính nghệ thuật, linh hoạt, sáng tạo, chủ động".

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, nặng nề, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển mới, chúng ta vừa phải xử lý các tồn đọng kéo dài nhiều năm, phải ứng phó phù hợp hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh. Công tác truyền thông phải làm rõ vấn đề này, để người dân chia sẻ với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp trước những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua, Thủ tướng nêu yêu cầu.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, công tác truyền thông chính sách còn bất cập. Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác này còn chưa tương xứng với nhiệm vụ. Chưa chủ động, sáng tạo, linh hoạt cung cấp thông tin, chất liệu cho truyền thông chưa được chuẩn bị tốt, đầy đủ, kịp thời. Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng chưa truyền thông tốt,  người dân chưa hiểu hết nên thực hiện còn khó khăn.

Nhấn mạnh việc không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, Thủ tướng cho biết, vừa qua, xử lý một số hành vi, việc làm không đúng pháp luật liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, một số tổ chức tín dụng yếu kém, vấn đề này không thể không xử lý, bởi càng để lâu càng ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.

"Chúng ta truyền thông tốt để tạo niềm tin thì mọi người thấy rằng làm thế là đúng và phải làm, không làm không được, xử lý người sai để bảo vệ người đúng, Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc chưa làm được có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ quản lý Nhà nước thì mình cũng phải chỉ rõ để khắc phục, củng cố niềm tin cho người dân. Bên cạnh đó, cương quyết xử lý người lợi dụng "tát nước theo mưa", làm lung lay niềm tin của người dân.

Chỉ ra nguyên nhân của bất cập, Thủ tướng cho rằng, cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách.

Đầu tư cho cơ sở vật chất, nhân lực chưa xứng tầm với công tác này. Việc đánh giá, sơ kết, tổng kết chưa thực sự được coi trọng, nên có những mặt làm tốt chưa được nhận rộng, khắc phục hạn chế yếu kém còn chậm so với yêu cầu.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách

Thời gian tới, nhiệm vụ được giao rất nặng nề, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi công tác truyền thông quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện tốt.    

Thủ tướng nhấn mạnh: Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với nhân dân.

Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách.

Phải quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách… Gắn công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

Khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu, phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính sách, "từ nhận thức thì phải hành động, hành động thì phải nỗ lực, quyết liệt". Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước.

Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách. Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.

"Muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông", Thủ tướng nói.

Cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều, khía cạnh khác nhau.

Cho ý kiến đối với một số kiến nghị tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì xử lý vấn đề tăng cường đội ngũ truyền thông chính sách tại các bộ, ngành địa phương. Thủ tướng nhất trí giải quyết vấn đề kinh phí cho công tác này theo hướng đặt hàng.

Thủ tướng giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Nêu rõ trong công tác truyền thông phải "nghĩ thật, nói thật, làm thật, nhân dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật" thành quả của chúng ta, Thủ tướng đề nghị VPCP, Bộ TT&TT tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách thời gian tới.


Theo Đức Tuân/baochinhphu.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra