Ngay đầu buổi họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: "May mắn 30 năm làm báo, nhưng là làm tạp chí, tôi 'mon men' làm quen, được biết tư duy, phương pháp làm việc của nghề báo. Cảm ơn các anh các chị, Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp. Dùng chữ 'rất tốt đẹp' là cân nhắc lắm, rất vui mừng phấn khởi, dự nhiều đại hội thì thấy đại hội thành công nhất cả về nội dung, hình thức, lề lối làm việc”.
Tổng Bí thư cũng cho biết, công tác nhân sự làm rất chu đáo, làm từng bước, lấy các ý kiến nhiều nơi, vì thế mà khi ra Đại hội công tác nhân sự bàn không nhiều, thống nhất rất cao. Bên cạnh đó, công tác tổ chức đại hội rất tốt, chu đáo từ nơi ăn, chốn ở, tạo điều kiện tối đa cho các đại biểu từ nhiều nơi xa xôi về, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối nhất là trong khi dịch COVID-19 đang diễn ra.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chào các phóng viên trong buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ, Đại hội đã chuẩn bị trong một thời gian dài, công tác nhân sự trong Đại hội lần này bầu một lần là xong, bầu một lần đủ cả chính thức, dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành dự kiến họp một ngày thì họp một buổi là xong. Một điều quan trọng nữa cảm nhận được là không khí tin cậy lẫn nhau, mừng, hồ hởi, phấn khởi vì thấy đất nước phát triển, Đại hội đã thành công rực rỡ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thành công này không phải tự nhiên mà có. Thành công của Đại hội không phải ở chỗ thông qua được Nghị quyết hay bầu được Ban Chấp hành mới mà quan trọng hơn sắp tới đưa Nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào, phải thể chế hóa, cụ thể hóa, thành chủ trương, quyết liệt để ra của cải vật chất, nước phải giàu, dân phải mạnh, đây mới chính là thành công của Đại hội. Hướng phát triển Đại hội đề ra không chỉ 5-10 năm tới mà xa hơn nữa, phấn đấu 2045, nước Việt Nam phải trở thành nước phát triển ở trình độ khá.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá rất cao tác nghiệp của báo chí tại Đại hội, đơn cử như Ban Chấp hành Trung ương vừa bầu xong thì báo chí đã đưa tin kịp thời, đáp ứng mong đợi của người dân. Báo chí cũng đã góp phần phát hiện, phản bác những luồng thông tin không đúng, xấu độc, góp phần vào thành công của Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ vui mừng khi báo chí làm việc hết mình, hết sức trách nhiệm, “nghề làm báo vất vả lắm, có khi làm cả ban đêm; có cảm xúc thì mới viết được, đặc biệt, đưa tin rất kịp thời, rất nhanh, điển hình như Ban Chấp hành Trung ương vừa bầu xong trong đêm thì Đài truyền hình và nhiều báo, tạp chí đã đưa tin kịp thời, đáp ứng mong đợi của người dân!". Có thể nói, Đại hội thành công có nhiều nguyên nhân, trong đó có đóng góp của các phóng viên, báo chí. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Tôi biết là các nhà báo nhiều khi còn biết trước tin tức hơn cả chúng tôi; tìm người này hỏi người kia, bài báo sau hay hơn bài báo trước... Thế mới là nhà báo”.
Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín, tiềm lực như ngày nay", và nội dung này đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội. Cho tới giờ phút này, Đại hội đã thành công, đã rút ngắn được gần 2 ngày, không khí phấn khởi, truyền được cảm hứng, quyết tâm, ý chí, bản lĩnh để sắp tới đưa đất nước phát triển ở tầm cao mới. Đại hội phải làm cho Đảng đoàn kết rồi còn phải đoàn kết hơn nữa, đất nước phát triển rồi còn phải phát triển nhiều hơn nữa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: L.A
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ qua rất nổi bật. Tuy nhiên, vừa rồi Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng mới đây đánh giá đây mới là bước đầu. Vậy nhiệm kỳ tiếp theo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư có điều chỉnh gì để công tác phòng, chống tham nhũng bền vững. Người làm luật mong muốn Đảng xây dựng thể chế, pháp luật bền vững hơn?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chống tham nhũng là công việc rất lớn, không phải chỉ ở nước ta mà nước nào cũng có. Không phải thời kỳ này mà thời kỳ nào cũng có, rộng hay hẹp thôi, mức độ như thế nào thôi. Có chức, có quyền là rất dễ tham nhũng, tiêu cực.
Chống tham nhũng và tiêu cực bắt đầu từ năm 2013, khi Tổng Bí thư được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Từ đó tới nay, làm liên tục, xử nhiều vụ, nhiều Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị bị xử án tù; thu hồi tài sản hàng triệu USD. Không dừng, không ngừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm. Có thể nói, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh còn dài, còn gian khổ. Theo Tổng Bí thư, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, chết cũng không mang theo được.
"Làm không phải cốt để trị ai, mà đây là nhân văn, nhân đạo, Bác Hồ từng đã nói cưa một cành cây mọt, sâu để cứu cả cây. Xử một vài người, để cảnh tỉnh, ngăn ngừa là chính. Chứ không phải xử cho nhiều, xử cho nặng", Tổng Bí thư nhấn mạnh./.
Lan Anh