Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn một số nội dung đáng chú ý của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Thứ ba, 01/11/2022 08:39
(ThanhtraVietNam) - Tổng Thanh tra Chính phủ nhận ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Sau khi nghiên cứu nội dung chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có trả lời 03 nội dung đáng chú ý liên quan đến: Phân quyền ký kết luận cho Trưởng đoàn thanh tra; trao quyền quyết định kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm và thủ tục thanh tra đặc biệt.
leftcenterrightdel
 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo, giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Thủ trưởng cơ quan thanh tra ra quyết định thanh tra phải là người ký kết luận thanh tra

Thứ nhất, nội dung chất vấn liên quan đến phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra. Đại biểu đề nghị “phân quyền ký kết luận cho Trưởng đoàn thanh tra thay vì người ra quyết định thanh tra”.

Theo trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, hoạt động thanh tra khác với hoạt động tố tụng được thực hiện với các chức danh tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập (điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán); hoạt động thanh tra được thực hiện bởi cơ quan thanh tra, thuộc hệ thống cơ quan hành chính, theo thủ tục hành chính trên nguyên tắc chế độ thủ trưởng. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan mình. Vì vậy, Thủ trưởng cơ quan thanh tra ra quyết định thanh tra phải là người ký kết luận thanh tra.

Để thực hiện trách nhiệm này, Luật quy định người ra quyết định thanh tra phải chỉ đạo cuộc thanh tra, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra, có nhiều quyền hạn trực tiếp trong quá trình tiến hành thanh tra, tổ chức giám sát hoạt động và giải quyết kịp thời các kiến nghị của Đoàn thanh tra, tổ chức việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, để đảm bảo chính xác có thể lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về dự thảo kết luận thanh tra. Vì vậy, người ra quyết định thanh tra có đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn để đảm bảo tính chính xác, khách quan của kết luận thanh tra và tính khả thi của các kiến nghị thanh tra.

Giao cơ quan thanh tra có quyền xử lý kỷ luật là không phù hợp

Nội dung chất vấn thứ hai liên quan đến quyền hạn của cơ quan thanh tra. Đại biểu đề nghị “trao quyền quyết định kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm thay cho quyền kiến nghị, đề xuất như hiện nay”.

Về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời: Việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý tổ chức, cá nhân đó theo quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ của pháp luật về cán bộ, công chức (Luật cán bộ, công chức, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020), nên giao cho cơ quan thanh tra có quyền xử lý kỷ luật là không phù hợp. Cơ quan thanh tra khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có trách nhiệm kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Không có cơ sở để giao nhiệm vụ thanh tra đặc biệt cho Cục Phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, về nội dung chất vấn liên quan đến vai trò của Cục Phòng, chống tham nhũng và thủ tục thanh tra đặc biệt. Đại biểu đề nghị “quy định Tổng Thanh tra Chính phủ là người trực tiếp quản lý điều hành; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ đặc biệt và giám sát, kiểm tra, đồng thời cũng đề nghị quy định chế độ thanh tra đặc biệt theo thủ tục rút gọn (thủ tục đặc biệt) để xử lý nhanh chóng, kịp thời các vụ đại án khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời: Cục Phòng, chống tham nhũng là đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, Cục Phòng, chống tham nhũng có nhiệm vụ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và tiến hành thanh tra góp phần phát hiện tham nhũng, tiêu cực khi được Tổng Thanh tra Chính phủ giao giống như các cục, vụ khác của Thanh tra Chính phủ.

Các cuộc thanh tra đều phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ để đảm bảo tính chính xác, khách quan của các kết luận thanh tra. Thanh tra là hoạt động mang tính chất hành chính, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì có trách nhiệm chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật. Vì vậy, việc nâng cao vai trò của Cục Phòng, chống tham nhũng bằng cách giao thêm những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt và thực hiện thủ tục đặc biệt là không có cơ sở và làm lẫn lộn, chồng chéo với hoạt động của các cơ quan tố tụng đã được pháp luật quy định.

Tiếp thu ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh tra; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra