UBTVQH khóa XIII họp phiên thứ hai

Thứ hai, 26/09/2011 21:59
(Thanhtravietnam.vn) - Sáng 26/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ hai.

Trong phiên làm việc sáng nay, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Cơ yếu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc tiếp tục để Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ là không hợp lý, không phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của ngành cơ yếu là một ngành cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng vẫn giữ ổn định tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ như hiện nay.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ông Nguyễn Kim Khoa lưu ý, do Ban Cơ yếu Chính phủ không phải là một đơn vị trong hệ thống tố chức của lực lượng vũ trang nên cần phải đảm bảo sự độc lập cần thiết về tổ chức, cán bộ, kinh phí và hoạt động để thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành đặc thù, chế độ công tác nghiêm ngặt, thống nhất và chặt chẽ.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quảng cáo. Theo Dự thảo, Luật Quảng cáo bao gồm 5 chương, 47 điều quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Nếu được ban hành, đây sẽ là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh toàn diện hoạt động quảng cáo ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quảng cáo thì nhiều quy định của dự thảo Luật vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, trong đó có quy định về việc quảng cáo trên báo điện tử không vượt quá 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình (Điều 26). Việc quy định như vậy là không khả thi. Bởi hiện nay nguồn thu duy nhất của tất cả các báo điện tử đều từ quảng cáo “việc hạn chế nguồn thu từ quảng cáo sẽ dẫn đến tình trạng báo điện tử không đủ kinh phí để chi cho hạ tầng công nghệ, thuê máy chủ, băng thông, đường truyền và nguồn nhân lực vận hành, do đó sẽ khó có điều kiện nâng cao chất lượng tin bài và nhiều báo sẽ không thể tồn tại”, đại diện cơ quan thẩm tra sơ bộ dự án Luật khẳng định. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng đánh giá các quy định về quy hoạch quảng cáo ngoài trời trong Dự thảo Luật còn sơ sài, phần nội dung quy hoạch và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời không được quy định cụ thể.

Được biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Ban Dân nguyện báo cáo công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011; nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XII.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; các báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015; Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ và một số dự án luật./.

Bảo Anh

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra