Vinh danh 88 gương chống tham nhũng

Thứ ba, 07/09/2010 10:18
Hôm nay (7-9), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) mở hội nghị biểu dương những cá nhân có thành tích trong công tác PCTN với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. 88 cá nhân tiêu biểu nhất từ các tỉnh, thành trên cả nước được mời về thủ đô để trao đổi kinh nghiệm. Đây là hội nghị ở quy mô toàn quốc đầu tiên, do Ban Chỉ đạo tổ chức, nối tiếp ba hội nghị ở cấp khu vực Bắc - Trung - Nam được tổ chức năm 2009.

Trong số những cá nhân tiêu biểu được biểu dương lần này, gần một nửa, 42 người thuộc nhóm có thành tích trong tố cáo tham nhũng. Hầu hết họ là những cựu chiến binh, đảng viên đã kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng ở địa phương và đều ít nhiều phải chịu những áp lực, các hình thức trả thù từ những người bị tố cáo - mà hầu hết là có chức quyền ở địa phương.

 

Điển hình là ông Phạm Thanh Bình, Trung tá hưu trí, Bí thư chi bộ phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Chỉ vì một lá thư phản ánh những hiện tượng tiêu cực ở địa phương gửi cho Bí thư Thành ủy Hà Nội, tháng 11-2008, ông Bình đã bị Quận ủy Cầu Giấy ra văn bản trái luật “nghỉ điều hành công tác” cả hai chức danh bí thư và chủ tịch HĐND - vốn do các đảng viên trong đảng bộ và nhân dân địa phương bầu. Không nản chí và tuân thủ kỷ luật Đảng, ông Bình và các bí thư chi bộ ở Nghĩa Đô đã kiên quyết đấu tranh, đòi khôi phục thành công chức danh của ông Bình, đồng thời đẩy mạnh việc tố giác với dấu hiệu tiêu cực đất đai của những người giờ đã giữ chức vụ cao ở Quận ủy. Kết quả, những vụ việc mà Đảng bộ Nghĩa Đô kiến nghị đã được Thanh tra và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy vào cuộc.

Ngày càng có nhiều tấm gương trong việc tố cáo, phòng chống tham nhũng. Trong ảnh: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức gặp mặt, biểu dương những cá nhân có thành tích chống tham nhũng tại Đà Nẵng cuối năm 2009. Ảnh : TTXVN


Dự buổi biểu dương còn có ba anh em nhà ông Nguyễn Kim Hợp, ở xã Phủ Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh. Những cựu chiến binh chân lấm tay bùn này từ năm 2005 đã bán trâu bò lấy tiền mua máy ảnh, máy ghi âm, tự mình điều tra những vụ tiêu cực đất đai trên địa bàn. Bất chấp bị kẻ xấu ném đá vỡ mái, vỡ cửa nhà, rải tờ rơi đe dọa… họ âm thầm vận động bà con thu thập chứng cứ. Gửi đơn phản ánh, tố giác lên huyện, lên tỉnh không đạt kết quả, bằng nhiều đường vận động, anh em ông Hợp đưa được đơn lên Văn phòng Chính phủ, gây áp lực trở lại địa phương. Nhờ đó, trong 70 trường hợp nghi vấn, UBND huyện Hương Khê đã phải thừa nhận đã cấp sổ đỏ sai cho 13 người. Trong đó có những cháu đang tuổi học sinh, nhờ là con của chủ tịch xã, của trưởng ban địa chính xã mà được cấp đất.

 

Trong những gương điển hình được mời lần này có cả những người công đầu khui ra vụ tham nhũng tiền tỉ ở Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV). Đó là ông Hoàng Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may xuất khẩu Hải Phòng. Là doanh nhân vốn phải va chạm thường xuyên với những tiêu cực từ cơ quan công quyền nhưng có lẽ chưa bao giờ ông Khánh gặp phải một đòi hỏi “lại quả” đến bạc tỉ từ sếp một ngân hàng lớn như BIDV. Chỉ để giải ngân khoản tiền hơn 40 tỉ đồng có nguồn gốc từ tài sản của chính mình, ông đã bị phó tổng giám đốc BIDV Đoàn Tiến Dũng đòi “lại quả” tới 4 tỉ đồng, tức 10%. Sau nhiều lần cắn răng đưa tiền, đến cuộc cuối cùng, 1 tỉ đồng, ông Khánh đã báo công an bắt quả tang ông Dũng đang nhận hối lộ. Nhưng cái giá phải trả cho việc tố giác tham nhũng ấy, như ông Khánh tâm sự, là cái nhìn nghi ngại từ phía các ngân hàng, các cơ quan chức năng với doanh nghiệp của ông. Việc đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng cần lắm lòng thông cảm, chia sẻ của xã hội.

 

Theo phapluattp.vn

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra