Xác định rõ trách nhiệm của từng cấp đối với việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất

Thứ năm, 29/09/2011 16:25
(Thanhtravietnam.vn) –  Đây là một trong những đổi mới về nội dung Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia trong báo cáo của Chính phủ đưa ra xin ý kiến tại phiên họp thứ 2 của UBTVQH  chiều ngày 29/9 .

Nhiều vấn đề tồn tại trong quy hoạch sử dụng đất chưa được đề cập

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tính đến 31/12/2010, kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định, trong đó có 33 chỉ tiêu đạt 90%, 5 chỉ tiêu đạt từ 70% đến dưới 90%, 4 chỉ tiêu đạt từ 60% đến dưới 70% và 02 chỉ tiêu đạt dưới 60%. Theo đánh giá của Chính phủ, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật đất đai quy định. Đặc biệt, thông qua thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo quỹ đất để đấu giá đất, giao đất, cho thuê đất, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực, cho các dự án đầu tư để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường bất động sản dẫn tới tình hình vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lập quy hoạch, sử dụng đất theo đơn vị hành chính không đảm bảo tính kết nối liên vùng, không phát huy được thế mạnh của từng vùng, có tình trạng mỗi địa phương vì lợi ích cục bộ, vì mục tiêu bằng mọi giá phải phát triển kinh tế của địa phương mình nên đã đề xuất quy hoạch thiếu tính đồng bộ, thiếu cân nhắc đến lợi ích chung và sự phát triển hài hòa của toàn khu vực. Bên cạnh đó, việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nhiều địa phương vẫn còn mang tính hình thức nên dẫn đến việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất bị hạn chế. Còn có tình trạng giao đất, cho thuế đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trái quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nhất trí cơ bản với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu, đánh giá tổng quát trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, song Ủy ban Kinh tế - cơ quan thực hiện thẩm tra Quy hoạch cho rằng, trong đánh giá của Chính phủ nhiều chỉ tiêu mới chỉ đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội của việc thực hiện chỉ tiêu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận xét “nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập như: sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, những bất cập về thể chế, chính sách, phân cấp trong quản lý quy hoạch, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo...”.

Kế hoạch sử dụng đất phải là tiền đề cho việc thực hiện Quy hoạch

Theo phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 mà Chính phủ trình Quốc hội, Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia Chính gồm 13 chỉ tiêu với 2 nhóm cụ thể là: nhóm các chỉ tiêu tổng hợp gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng; nhóm các chỉ tiêu cụ thể gồm: đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng, đất di tích danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải, đất ở tại đô thị.

Cho ý kiến về Quy hoạch này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Quốc hội chỉ nên quyết định các chỉ tiêu lớn, quan trọng, mang tính định hướng. “Đây là chỉ tiêu “cứng” cần xác định để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh lương thực”, đại diện Ủy ban Kinh tế nói. Trên cơ sở đó, Chính phủ tổ chức chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước, các chỉ tiêu cụ thể còn lại giao Chính phủ, chính quyền các cấp phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng cấp.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chỉnh phủ bổ sung thêm chỉ tiêu đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, bởi theo lý giải của cơ quan thẩm tra, đất rừng sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong đất lâm nghiệp (gần 50%), ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối ngoài mục đích kinh tế, còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị.

Riêng đối với kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015), Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong xây dựng kế hoạch cần dựa trên nhu cầu và nguồn lực thực tế để đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch, tạo tiền đề cho việc thực hiện đạt mục tiêu đề ra trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần xem xét, tính toán lại đối với diện tích đất dành cho khu công nghiệp. Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt rất thấp, trong khi đó kế hoạch sử dụng đất đến 2015 tăng từ 72 nghìn ha lên 150 nghìn ha là quá nhanh, dẫn đến tình trạng hoặc không đạt kế hoạch hoặc hiệu quả kinh tế thấp.

Về kế hoạch đưa 1.067 nghìn ha đất chưa sử dụng vào khai thác, theo Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cần xác định cụ thể chương trình khai hoang, phục hóa và các giải pháp để sử dụng diện tích đất này, đồng thời có biện pháp thu hồi diện tích đất đã giao mà không sử dụng để hoang hóa./.

Bảo Anh

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra