Xử lý vướng mắc về quản lý, khai thác và bảo vệ hồ Cửa Đạt và Dầu Tiếng

Thứ năm, 21/11/2019 08:21
(ThanhtraVietNam) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 14/11 về việc xử lý vướng mắc về quản lý, khai thác và bảo vệ hồ chứa thủy lợi quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

 

Theo đó, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 6210/BNN-TCTL ngày 26 tháng 8 năm 2019; ý kiến của các Bộ: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ quyết nghị thống nhất ngưng hiệu lực của Điều 17 Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia đối với vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước của các hồ chứa thủy lợi liên quan đến an ninh quốc gia.

Nghị quyết nêu cụ thể là các hồ: Dầu Tiếng (thuộc các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương), Cửa Đạt (tỉnh Thanh Hóa) và Tả Trạch (tỉnh Thừa Thiên Huế). Bên cạnh đó, cho phép tiếp tục thực hiện các hoạt động đã được cấp có thẩm quyền cấp phép và các hoạt động đa mục tiêu khác trong khu vực lòng hồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thời điểm ngưng hiệu lực kể từ ngày ký ban hành Nghị quyết này (14/11) đến thời điểm văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này có hiệu lực thi hành.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 32/2007/PL-UBTVQH ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa 03 công trình thủy lợi vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Điều 17, Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định về: Quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

1. Trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, cấm những hoạt động sau:

a) Xây dựng nhà ở, công trình kinh tế, dân sinh;

b) Sử dụng lửa, vật liệu nổ, thiết bị, các vật liệu dễ gây cháy, gây nổ, vật thể bay mang lửa;

c) Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp trong phạm vi 500 m tính từ chân công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia trở ra xung quanh;

d) Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản;

đ) Săn bắn, nổ mìn;

e) Neo đậu các phương tiện vận chuyển.

2. Trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được phép:

a) Xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động trực tiếp của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;

b) Xây dựng các công trình thủy nông quy mô vừa và nhỏ, các công trình phục vụ phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn;

c) Xây dựng công trình hạ tầng giao thông quy mô vừa và nhỏ để phục vụ hoạt động trực tiếp của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và phục vụ phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn.

3. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng vùng đất, vùng nước, khoảng không vào các mục đích khác ngoài quy định của khoản 2 Điều này, phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.

4. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, việc cư trú, sản xuất, kinh doanh, ra vào, đi lại, quay phim, chụp ảnh và các hoạt động khác trong khu vực hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia phải được phép của cơ quan, tổ chức quản lý công trình.

5. Khi có sự cố cháy, nổ hoặc nguy cơ xảy ra cháy, nổ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trên địa bàn phải phối hợp với người chỉ huy đơn vị bảo vệ tổ chức ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nghiêm cấm mọi cá nhân không có trách nhiệm vào khu vực hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia trong thời gian có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ hoặc đang xảy ra sự cố cháy, nổ hoặc đang khắc phục sự cố cháy, nổ đối với công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.  

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra