Ngày 09/6/2020, Công ty CP Masan High-Tech Materials (Masan High-Tech Materials) đã công bố hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck Group GmbH (HCS). Được biết, HCS là nhà chế tạo hàng đầu các dòng sản phẩm vonfram cận sâu công nghệ cao như: bột kim loại vonfram (tungsten metal powders) và vonfram các-bua (tungsten carbides). HCS phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới với các tổ hợp sản xuất tại châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Giao dịch này là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của Masan High-Tech Materials trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới. Giao dịch thành công đã giúp nâng tầm Masan High-Tech Materials trở thành công ty vật liệu công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam có quy mô toàn cầu, đồng thời gia tăng vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường vonfram quốc tế nhờ vào nền tảng nghiên cứu phát triển và công nghệ hàng đầu thế giới.
Tổ hợp sản xuất vonfram của H.C. Starck tại Goslar, Đức
Ngay sau sự kiện sáp nhập vào tháng 6/2020, Công ty đã thay đổi tên từ Công ty CP Tài nguyên Masan thành Công ty CP Masan High-Tech Materials. Bên cạnh đó, Ban Điều hành chung đã vạch ra tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi toàn cầu mới phản ánh khát vọng tăng trưởng toàn cầu của Công ty sau sáp nhập. Để hỗ trợ tích hợp công việc kinh doanh mới, Công ty đã cử Giám đốc Chiến lược & Phát triển và Giám đốc Công nghệ & Đổi mới Sáng tạo sang Đức để giám sát quá trình chuyển đổi và đề ra các sáng kiến đổi mới trong hoạt động của toàn Công ty. Đồng thời, thực hiện các cuộc trao đổi giữa các bộ phận chức năng, công nghệ, thực hành vận hành và bảo trì giữa các công ty thành viên nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng, giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng bằng việc phát triển và thực hiện việc chuyển giao các thông lệ tốt nhất.
Thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ và thị trường mới, khách hàng và thị trường đã ghi nhận giá trị khác biệt mà Công ty mang lại về tính bền vững, đổi mới sáng tạo và tập trung kiến tạo giải pháp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Công ty cũng cam kết tiếp tục xây dựng lòng tin của khách hàng và nỗ lực tạo ra giá trị bằng hành động rõ ràng để cung cấp các giải pháp với chi phí cạnh tranh hoặc sự khác biệt hoá sản phẩm nhằm minh chứng rằng Masan High-Tech Materials sẽ là đối tác toàn cầu được lựa chọn trong tương lai.
Sau thương vụ M&A này, Masan High-Tech Materials đã phát triển thị phần toàn cầu tại mọi thị trường mà Công ty đang có, bất chấp những thách thức mà đại dịch Covid-19 toàn cầu gây ra.
Nhà máy Khai thác chế biến khoáng sản hiện đại tại mỏ Núi Pháo - Việt Nam
Nhằm bảo đảm duy trì chi phí sản xuất thấp để hỗ trợ chiến lược tăng doanh thu của công ty nêu trên, một số sáng kiến cải tiến hiệu suất sản xuất đã được áp dụng để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh bao gồm tối ưu hóa các quy trình bảo trì tại các cơ sở sản xuất tại Đức, tăng năng suất sản xuất lên 5%, khai thông nhà máy sản xuất bột vonfram Trung Quốc dẫn đến tăng sản lượng 10% so với công suất định mức, tối ưu hóa chi phí cho phép giảm đáng kể chi phí hậu cần hàng năm và một loạt các sáng kiến kinh doanh khác. Các sáng kiến này dự kiến sẽ giúp tăng thêm lợi nhuận cho Công ty trên 6 triệu USD/năm.
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong một năm qua sau sáp nhập, thời gian tới, Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu tiếp tục phát huy các giá trị cốt lõi như luôn bảo đảm an toàn cho mọi người, duy trì hoạt động của nhà máy và sự hài lòng của khách hàng đi đôi với việc ứng phó tốt đại dịch Covid-19. Từ đó, tiếp tục tạo dấu ấn mạnh mẽ trong ngành vật liệu công nghệ cao, gắn với nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp toàn cầu./.
PV