Đảng bộ và đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An quyết tâm phấn đấu xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 28/12/2023 09:00
(ThanhtraVietNam) - Tương Dương là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.800 km2, chiếm 17% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Đây là đơn vị hành chính cấp huyện gồm 17 xã, thị trấn, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, nhưng chủ yếu là đồi núi dốc, đất bằng chỉ chiếm hơn 2,8%. Đặc biệt, huyện Tương Dương có 58 km đường biên giới Việt - Lào nằm trên địa bàn của 4 xã biên giới. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 90% với 6 dân tộc anh em sinh sống là Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông, Tày Poọng, Ơ Đu.

Với những đặc điểm mang tính đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội nói trên, có thể đánh giá bước đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Tương Dương gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, phải kể đến những khó khăn lớn nhất xuất phát từ điều kiện địa hình của một huyện miền núi, vùng cao, biên giới; điều kiện kinh tế - xã hội không thuận lợi; tỷ lệ hộ nghèo cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, người dân ở đây vẫn còn tư tưởng trông chờ ỉ lại; cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn còn thiếu và hư hỏng nặng; tập quán canh tác, sản xuất của người dân còn lạc hậu; ruộng đồng manh mún. Kết quả rà soát ban đầu về các tiêu chí nông thôn mới đạt quá thấp, xã đạt nhiều tiêu chí nhất cũng mới chỉ đạt 04/19 tiêu chí, trong đó, có nhiều xã mới đạt được 01 tiêu chí.

leftcenterrightdel
 

Nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên, giải quyết việc làm tăng thu nhập, mang lại lợi ích to lớn trực tiếp cho Nhân dân. Chính nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương và địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 02 về xây dựng nông thôn mới và nhiều Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội khác nhằm xóa đói, giảm nghèo để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Để thực hiện được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cần có sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng và đặc biệt là nhận thức rõ vai trò của Nhân dân là then chốt, là chủ thể thực sự. Nếu không có sự đồng lòng, góp công, góp của, hiến kế của Nhân dân, không phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân thì không thể thực hiện thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Muốn phát huy vai trò của Nhân dân thì Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân, đặc biệt là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Có thể nói, đây là một "rào cản rất lớn" tại địa phương vì từ trước tới nay vẫn tồn tại trong Nhân dân cách nghĩ: Phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đồng nghĩa với thoát khỏi xã nghèo, người dân không còn được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo và xã nghèo.

Đồng thời, phải đẩy mạnh thực hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân tự quản, tự bàn bạc, tự giám sát, lấy công khai, minh bạch làm đầu, tạo được niềm tin, tích cực, hăng hái của người dân tham gia phong trào “Toàn dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới”. Phát huy ở mức cao nhất vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương đã có rất nhiều cách làm hay, hiệu quả trong vận động, tập hợp và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Để tạo ra bước đốt phá, huyện đã xác định rõ mục tiêu cần phấn đấu cho bằng được một xã về đích nông thôn mới, làm cơ sở để đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn, cũng là để trở thành địa chỉ cho các xã trên địa bàn tham quan, học hỏi và nhân rộng phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, thống nhất của Nhân dân, đến năm 2015 xã Thạch Giám là xã đặc biệt khó khăn đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới tại địa phương cho thấy: Không được huy động quá sức dân, nếu huy động quá sức dân sẽ làm cho Nhân dân cảm thấy chương trình nông thôn mới là một gánh nặng. Vì vậy, huyện đề ra phương châm: Huy động phải vừa sức, từng bước, tránh nóng vội, “dễ làm trước, khó làm sau”; việc gì không cần nhiều tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau; làm đến đâu thì phát huy hiệu quả đến đó, để Nhân dân thấy được kết quả và được thụ hưởng thành quả thiết thực do mình thực hiện. Điều này đã tạo ra một sức lan tỏa, một động lực lớn trong Nhân dân.

Bên cạnh đó, huyện đã đề ra chủ trương chuyển đổi hình thức quản lý các công trình phúc lợi từ quản lý theo cộng đồng sang quản lý có tổ chức, thành lập hợp tác xã, tổ quản lý, vận hành; sử dụng theo cộng đồng sang sử dụng tại gia và có thu tiền. Do đó, các công trình phúc lợi phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Hàng năm đã tổ chức huy động hàng ngàn ngày công ra quân làm đường giao thông, mở các tuyến đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đi các bản vùng xa, để giảm thiểu ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng công trình. Địa phương còn lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư xây dựng các công trình có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải, đầu tư công trình nào thì phát huy hiệu quả công trình đó và nhất thiết không phô trương hình thức, chạy theo thành tích để lại nợ đọng trong xây dựng noomnh thôn mới. Tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thành lập hợp tác xã; đẩy mạnh sản xuất theo hướng trang trại, gia trại, phát triển chăn nuôi tạo thành hàng hóa; phát triển kinh tế rừng; nuôi trồng thủy sản ở các lòng hồ thủy điện; tăng cường xuất khẩu lao động, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho Nhân dân.

Có thể nói, với sự kiên trì, quyết tâm vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương đã có 04 xã (trong đó có 01 xã biên giới) và 06 bản đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và không còn xã nào đạt dưới 7 tiêu chí. Các công trình thiết yếu được quan tâm đầu tư: 100% xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã, 100% số bản có đường giao thông đến trung tâm xã; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, 100% số xã có hệ thống giao ban trực tuyến; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và tăng cường; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hàng hóa./.

Nguyễn Văn Hòa,
Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới huyện Tương Dương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra