Phát hành trái phiếu doanh nghiêp:

Doanh nghiệp bất động sản trong nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành

Thứ ba, 24/05/2022 10:21
(ThanhtraVietNam) - Bất động sản vẫn là nhóm ngành hấp dẫn thu hút vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu, tuy vậy trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu có tỷ lệ khá cao tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho thị trường…

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hút khách

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, năm 2021, nhóm ngành bất động sản hút tới 214.440 tỷ đồng, chiếm 36% tổng tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường... riêng tháng 11/2021, tổng giá trị phát trái phiếu doanh nghiệp đạt 20.366 tỷ đồng với tổng cộng 40 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước, tổng giá trị phát hành 18.276 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Công ty Cổ phần Vinhomes giá trị 2.090 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành trong tháng. Tuy nhiên, có khoảng 59% trái phiếu bất động sản chỉ được đảm bảo bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.

Đáng chú ý, thị trường còn có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1,425 tỷ USD. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD); trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD); trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD); trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD).

Cũng theo VBMA, chốt năm 2021, nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 sau nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành đạt 214.440 tỷ đồng, chiếm 36% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Đáng chú ý, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm. Kỳ hạn từ 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm vừa qua, với giá trị lên đến 142.389 tỷ đồng, chiếm 67,33% tổng giá trị phát hành.

Giới chuyên gia nhận định, sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp diễn trong năm nay, khi mà hiện có hàng loạt doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu ngay trong đầu năm 2022, với tham vọng huy động được lượng vốn lớn. Theo đó, sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp Giấy chứng nhận chào bán trái phiếu ra công chúng, Công ty cổ phần Bamboo Capital đang triển khai đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 5 năm) không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, với lãi suất cho 2 kỳ đầu là 11,5%/năm.

Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Nông Nghiệp BAF Việt Nam vừa phê duyệt phương án phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, với kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tập Đoàn Đất Xanh cũng đã phê duyệt phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định dự kiến là 10,6%/năm.

Và một số kế hoạch phát hành thời gian tới như Công ty Cổ phần Phát Triển Bất Động Sản Phát Đạt dự kiến án phát hành 475 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi. Công ty Cổ phần Dịch Vụ Ô Tô Hàng Xanh đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ 180 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Hay như Công ty Cổ phần SAM Holdings sẽ phát hành 250 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Gần 1/2 giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu

Trên phương diện quản lý nhà nước, mới đây trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng trưởng nóng, xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. UBCKNN  "tuýt còi" xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành và 1 công ty chứng khoán có hành vi vi phạm là Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Apec Group. Hai doanh nghiệp này đều có hành vi chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho đối tượng nhà đầu tư không xác định mà không đăng ký với UBCKNN theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Liên quan đến tài sản đảm bảo, Bộ Tài chính đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số rủi ro thể hiện qua việc, năm 2021 trong số các trái phiếu phát hành riêng lẻ thì có tới 49,1% trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Với 50,9% trái phiếu phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo, thì chất lượng tài sản này không đảm bảo khi chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp…

Đáng lưu ý, trước thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn nhưng không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, cá biệt, có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn làm tăng nguy cơ rủi ro, không đảm bảo tính công khai, minh bạch và gây mất an toàn cho thị trường. Mới đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN triển khai kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng có các giải pháp quản lý thị trường bất động sản, phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng. Đồng thời, tổ chức làm việc với Bộ Công an về khung khổ pháp lý và tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin.

Về lâu dài, để kiểm soát rủi ro cho thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn nhưng không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Bộ đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Dự thảo bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng nếu phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành…

Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị chức năng tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm. 
 

 

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra