Đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, tránh phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hệ thống ngân hàng
Theo các chuyên gia tài chính, khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) có hiệu lực từ ngày 5/3, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu. Cùng với Masan và một vài doanh nghiệp khác, tổng vốn huy động qua kênh TPDN đã đạt khoảng 1 tỷ USD.
Có thể thấy đây là thông tin rất tốt, nếu nhìn lại trong tháng 01/2023 chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công 110 tỷ đồng, trong khi việc phát hành rất "khiêm tốn" và tâm lý thị trường đông cứng kể từ đầu tháng 9/2022 khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) được ban hành với nhiều điều kiện siết chặt.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, chỉ đạo kịp thời của Người đứng đầu Chính phủ và phản ứng chính sách lần này của Bộ Tài chính là đúng đắn nhằm thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mở rộng thị trường TPDN để đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, tránh phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hệ thống ngân hàng.
Ở một diễn biến khác, sau hàng loạt giải pháp chấn chỉnh sai phạm trên thị trường TPDN, diễn biến trên thị trường đã bị chùng xuống. Theo cập nhật của Công ty cổ phần FiinRatings, tháng 2/2023 ghi nhận tổng cộng 3 lô TPDN thành công trị giá 2.000 tỷ đồng, trong đó có một lô phát hành riêng lẻ của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim và hai lô trái phiếu phát hành ra công chúng của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan.
Cụ thể, lô trái phiếu của Sơn Kim trị giá 500 tỷ đồng, có lãi suất danh nghĩa 13,5%/năm cho kỳ hạn 2 năm, trong khi hai lô trái phiếu của Masan có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, với lãi suất cố định của hai kỳ đầu tiên là 9,5%. Cả 3 lô trái phiếu này đều không chuyển đổi và không kèm chứng quyền.
Đáng chú ý, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 2/2023 chỉ tương đương 17,4% so với tháng liền trước, nhưng tổng giá trị phát hành đã tăng đáng kể trên nền phát hành thấp của tháng trước.
Theo FiinRatings, đây là một chiều hướng đáng chú ý và có thể tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, đã có hiệu lực với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, nhất là trong giai đoạn đáo hạn cao điểm của TPDN trong năm 2023 và 2024.
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Hành lang pháp lý thông thoáng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ và tiếp cận nguồn tín dụng mới
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu đến hạn trong năm nay là 100.000 tỷ đồng. Quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn trong tháng 2 đạt gần 6.000 tỷ đồng, tương đương 65,9% so với tháng trước và tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động mua lại thường có xu hướng tăng vọt vào thời điểm cuối các kỳ báo cáo bán niên hoặc cuối năm và giảm mạnh vào đầu năm, hoạt động mua lại cũng phụ thuộc lớn vào mức độ sẵn có nguồn tiền hiện tại, hoặc khả năng thu xếp nguồn vốn khác ngoài tín dụng trái phiếu. Trong bối cảnh kiểm soát tín dụng bất động sản, hoạt động mua lại cũng gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.
Cũng theo FiinRatings, đến ngày 08/3/2023, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đã lên đến 67, trong đó có 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua việc giãn kỳ hạn. Hầu hết các doanh nghiệp đưa ra lãi suất nhằm đền bù cho nhà đầu tư, từ đó phản ánh lên mức lãi suất mới cao hơn của toàn thị trường. Tổng giá trị các lô TPDN được ghi nhận chậm thanh toán đạt 89.300 tỷ đồng, chiếm gần 55% lượng trái phiếu đang lưu hành của các doanh nghiệp trên.
Khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ cho các lô trái phiếu này phụ thuộc vào phân kỳ đáo hạn sắp tới, khả năng huy động nguồn vốn khác của doanh nghiệp, cũng như kỳ vọng vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Tính trên tổng giá trị TPDN phi tài chính đang lưu hành, tỷ lệ nợ xấu từ các lô trái phiếu được FiinRatings tính toán ở mức 11,3%. Riêng đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn là 18,7%. Các doanh nghiệp này cũng có dư nợ vay ngân hàng và các nguồn vốn vay khác.
Tổng giá trị TPDN phát hành riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 100.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng vào quý II/2023 và 35.400 tỷ đồng vào quý III/2023.
FiinRatings kỳ vọng các chính sách mới hiện nay, bao gồm Nghị định số 08 và Nghị quyết số 33/2023NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vừa được ban hành, sẽ là nền tảng tạo điều kiện cho các thành viên thị trường thực hiện hoạt động tái cấu trúc nợ, cũng như hỗ trợ chủ đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng mới khi các biện pháp cho vấn đề pháp lý bất động sản được triển khai./.