Quảng Bình: Khiếu nại, tố cáo tăng, trình độ chuyên môn cán bộ tiếp công dân còn hạn chế

Thứ năm, 29/06/2023 21:32
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, từ sự phối hợp giữa cấp tỉnh và cấp huyện, giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; qua phối hợp đã tạo sự đồng thuận trong quá trình giải quyết, chính vì vậy hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không còn tồn đọng vụ việc đông người, phức tạp.

Nhiều giải pháp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

 Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên tăng cường chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiều giải pháp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh (KNPA). Thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác đối thoại với công dân, tiếp xúc cử tri, kiểm tra đôn đốc việc giải quyết, xác minh nội dung kiến nghị, khiếu nại nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội tại cơ sở.

Đồng thời, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội trong phạm vi địa phương. Cùng với đó, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác giải quyết KNTC.

Đặc biệt, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn chỉ đạo đối với công tác giải quyết KNTC; chú trọng, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp; tập trung giải quyết các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở.

Thanh tra tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, do đó UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh uỷ, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh; hướng dẫn Thanh tra cấp huyện, Thanh tra các sở, ngành tích cực triển khai thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc chấp hành pháp luật về KNTC. Mặt khác, phối hợp với các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết KNTC.

leftcenterrightdel
Sau mỗi phiên tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Văn phòng UBND tỉnh đều ra văn bản Thông báo kết luận đối với từng vụ việc được tiếp. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Đơn khiếu nại, tố cáo tăng so với cùng kỳ

Báo cáo Kết quả công tác giải quyết KNTC và kiến nghị của công dân 6 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh Quảng Bình cho thấy, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 602 lượt công dân (có 2 lượt đoàn đông người), so với cùng kỳ năm 2022 tăng 81 lượt. Trong đó, Trụ sở tiếp công dân tỉnh tiếp 134 lượt; Thanh tra tỉnh và các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tiếp 468 lượt, có 2 lượt đoàn đông người.

Các cơ quan hành chính tiếp nhận 125 đơn khiếu nại, tăng 15 đơn so với cùng kỳ. Nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào một số vấn đề, như: Thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai; đình chỉ chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; giải quyết các chế độ cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động… Qua xử lý, phân loại có 30 đơn khiếu nại đủ điều kiện thụ lý xem xét giải quyết. Các cơ quan hành chính đã giải quyết được 12/30 đơn, đạt tỷ lệ 40,0%.

Đồng thời, tiếp nhận 170 đơn tố cáo, tăng 75 đơn so với cùng kỳ. Nội dung tố cáo chủ yếu liên quan đến việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; bồi thường, việc thực hiện chính sách đất đai... Trong đó, đáng chú ý có tố cáo cán bộ địa chính phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, lãnh đạo UBND thành phố Đồng Hới qua các thời kỳ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Qua xử lý, phân loại có 19 đơn tố cáo đủ điều kiện thụ lý xem xét giải quyết. Các cơ quan hành chính đã giải quyết được 8/19 đơn, đạt 42,1%.

Các đơn KNPA của công dân sau khi tiếp nhận đã được lãnh đạo và cán bộ tiếp công dân trực tiếp xem xét, giải thích, hướng dẫn, trả lời cụ thể; đồng thời, giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các cấp, các ngành giải quyết, trả lời, hướng dẫn cho công dân. Kết quả, các cấp, các ngành đã tham mưu trả lời, giải quyết 661/701 đơn kiến nghị, đạt tỷ lệ 94,29%.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá, nhận thức trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua về công tác giải quyết KNTC ngày càng được nâng lên; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết KNTC và thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày càng được tăng cường và đi vào thực chất. Đặc biệt, sự phối hợp giữa cấp tỉnh và cấp huyện, giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành, địa phương trong công tác giải quyết KNT, KNPA ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Qua phối hợp đã tạo sự đồng thuận trong quá trình giải quyết, kết quả giải quyết có lý, có tình và có thuyết phục hơn.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan chức năng theo dõi, đôn đốc thực hiện nghiêm túc nội dung thông báo kết luận của phiên tiếp dân. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ở cấp xã còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị của công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong 6 tháng qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết đơn KNTC sau khi đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền chưa thường xuyên. Việc giải quyết một số đơn KNTC của một số xã, phường, phòng, ban chất lượng chưa cao. Một số nội dung đơn khiếu kiện của công dân chưa được xem xét, giải quyết một cách thấu đáo, chính xác, từ đó dẫn đến việc công dân tiếp tục tái khiếu, tái tố.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ở các xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế, hầu hết chưa qua đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt cho đến hiện nay, ở tất cả các xã phường, thị trấn hầu hết cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đều là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả giải quyết KNTC của công dân.  

Trong khi đó, tâm lý của công dân cho rằng nội dung khiếu kiện của họ luôn luôn đúng và không tin tưởng vào sự giải quyết của cấp cơ sở, vì họ cho rằng cấp cơ sở giải quyết không khách quan, có sự bao che nên cần phải khiếu kiện vượt cấp lên cấp trên cao hơn thì vụ việc mới giải quyết được.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân của hạn chế, tồn tại nêu trên là do chế độ chính sách và một số văn bản pháp luật liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn có điểm bất cập, công tác chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương còn yếu; những hạn chế bất cập của cán bộ trong công tác xét duyệt, thẩm định hồ sơ, cấp phép, chi trả tiền bồi thường..., dẫn tới vướng mắc trong trong chi trả tiền bồi thường dự án là nguyên nhân dẫn tới đơn, thư phát sinh.

Kỹ năng tiếp công dân của một số cán bộ, công chức, nhất là cấp xã còn nhiều hạn chế. Nhiều công chức cấp xã, cấp huyện mặc dù đã được tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm xử lý các đơn, tiếp công dân, lúng túng trong tham mưu giải quyết một số vụ việc; việc cập nhật cơ chế chính sách còn chậm, dẫn đến việc áp dụng, giải quyết còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết đúng pháp luật, một số vụ mặc dù đã tập trung giải quyết nhiều lần nhưng do nhiều động cơ khác nhau nên một số công dân vẫn tiếp tục đeo bám khiếu kiện đến nhiều cấp, nhiều ngành. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài để xử lý những người cố tình vi phạm quy định về giải quyết KNTC; chưa có biện pháp để ngăn chặn hiệu quả những trường hợp lợi dụng quyền KNTC nhằm gây rối, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra