Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền

Thứ ba, 09/08/2022 08:36
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ mới ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025, kèm theo Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, một trong những mục tiêu tổng quát đáng chú ý nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

“Xây” cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt  (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là kế hoạch hành động) nhằm xây dựng một cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).

Đồng thời, bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, TTKB/TTPBVKHDHL, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hoàn thiện văn bản pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tiễn trong nước và chuẩn mực quốc tế

Tiếp đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch hành động cũng xác định sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

“Nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro quốc gia và hợp tác trong nước trên cơ sở cập nhật đánh giá rủi ro quốc gia về RT/TTKB/TTPBVKHDHL và xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết rủi ro được xác định trong kết quả đánh giá rủi ro quốc gia; sửa đổi, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao về RT/TTKB/TTPBVKHDHL”, Kế hoạch hành động đặt trọng tâm.

Một mục tiêu cụ thể quan trọng khác, kế hoạch hành động sẽ nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của các bộ, ngành; đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL và nghiên cứu, triển khai, áp dụng thanh tra trên cơ sở rủi ro về RT/TTKB/TTPBVKHDHL.

Một trong các hành động nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Kế hoạch hành động đó là, Thanh tra Chính phủ - Cơ quan chủ trì nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, đưa nội dung liên quan đến thanh tra về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm cho toàn Ngành; chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quyền quản lý nhà nước.

Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản đối với tội rửa tiền/TTKB, đặc biệt đối với các lĩnh vực có rủi ro cao trên cơ sở hợp tác trong và ngoài nước thông qua các cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức; thực hiện có hiệu quả quy trình điều tra, truy tố song song tội rửa tiền với tội phạm nguồn của tội rửa tiền; xây dựng, hoàn thiện quy trình/trình tự điều tra tài chính song song, truy tìm, ngăn chặn, tịch thu tài sản đối với các tội phạm nguồn có rủi ro cao.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trên cơ sở tăng cường nguồn lực, đặc biệt tăng cường nguồn lực cho Cơ quan phòng, chống rửa tiền (Cục Phòng, chống rửa tiền) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các đơn vị làm công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL ở các bộ, ngành có liên quan.

Kế hoạch hành động cũng chú trọng vào “3 tăng cường” gồm: Tăng cường cơ chế phối hợp liên bộ, ngành, hợp tác, trao đổi liên bộ, ngành trong công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện các khuyến nghị hành động của APG đối với Việt Nam. Tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Biên bản ghi nhớ với các nước về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL; trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin qua kênh chính thức và phi chính thức; gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL. Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các lĩnh vực có rủi ro cao.

Tiếp đó, thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), đặc biệt là nghĩa vụ phát sinh theo kết quả đánh giá đa phương của APG đối với cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Cuộc họp nội dung đánh giá về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam. Ảnh: sbv.gov.vn

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát là 1 trong 3 nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu

Để thực hiện các mục tiêu tổng quát và cụ thể trên, kế hoạch hành động xác định rõ 7 nhóm giải pháp cụ thể. Bên cạnh các nhóm giải pháp về: Tiếp tục tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử và tịch thu, thu hồi tài sản liên quan đến PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL; nâng cao hiệu quả công tác; nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo về công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL thì 3 nhóm giải pháp hàng đầu rất đáng chú ý.

Trong đó, thứ nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL giai đoạn 2021 - 2025 ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, tiếp cận chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở cho quá trình hội nhập và phát triển.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá rủi ro RT/TTKB/TTPBVKHDHL và hợp tác trong nước. Cụ thể, tổ chức thực hiện việc cập nhật đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về RT/TTKB/TTPBVKHDHL giai đoạn 2018 - 2022. Xác định giải pháp, nhiệm vụ cần giải quyết nhằm khắc phục rủi ro được phát hiện thuộc các bộ, ngành liên quan.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nguồn và tội rửa tiền/TTKB, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực được xác định có rủi ro cao.

Xây dựng cơ chế hợp tác trao đổi thông tin, kết nối chia sẻ thông tin giữa Cơ quan phòng, chống rửa tiền (Cục Phòng, chống rửa tiền) và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ các quy định pháp luật về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL, hướng đến áp dụng cách tiếp cận trên cơ sở rủi ro. Trong giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới xây dựng và triển khai áp dụng thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro về RT/TTKB/TTPBVKHDHL đối với tất cả các lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế cũng như đảm bảo phân bổ nguồn lực trong nước hiệu quả. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCRT/TTKB/TTPBVKTLDHL đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quyền quản lý nhà nước của các bộ, ngành. 

Hải Trung Kim
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra