Nổ mìn thí nghiệm để đánh giá mức độ ảnh hưởng
Theo văn bản nói trên, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề nghị của Sở Công thương về việc tiếp tục thực hiện các thủ tục, hồ sơ và tiến hành các bước nổ mìn thí nghiệm tại khu vực mỏ đá vôi xã Tân Phúc của Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Thanh Hưng (Cty Thanh Hưng) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 7209/UBND-CN ngày 24/5/2022.
Trong quá trình nổ mìn thí nghiệm phải có sự chứng kiến của các sở, ngành liên quan, chính quyền huyện, xã, người dân bị ảnh hưởng. Sau khi hoàn thành việc nổ mìn thí nghiệm và có đánh giá mức độ ảnh hưởng giao Sở Công thương và Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao tại Văn bản số 7209/UBND-CN ngày 24/5/2022.
|
|
Mỏ đá của Công ty Thanh Hưng đóng trên địa bàn xã Tân Phúc, huyện Nông Cống sẽ được nổ mìn thí nghiệm vào chiều 29/8/2022. Ảnh: Văn Thanh |
Được biết, việc nổ mìn thí nghiệm sẽ diễn ra vào chiều ngày 29/8/2022 dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí để đo giám sát ảnh hưởng bởi nổ mìn ảnh hưởng đến các hộ dân và các công trình xung quanh làm căn cứ giải quyết khiếu nại của công dân. Đồng thời, qua nổ mìn thí nghiệm cũng để lấy cơ sở cho các đơn vị tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Tân Phúc, huyện Nông Cống của Cty Thanh Hưng bằng vật liệu nổ.
Có thể nói, giải pháp cho phép nổ mìn thí nghiệm lần này đã thể hiện sự minh bạch, giải quyết thấu tình, đạt lý của chính quyền tỉnh Thanh Hóa sau khi nhận đơn khiếu nại của các hộ dân nằm gần mỏ đá của Cty Thanh Hưng về vấn đề nổ mìn khai thác đá có gây ảnh hưởng đến đời sống người dân hay không. Ngoài ra, căn cứ vào kết quả này để UBND tỉnh Thanh Hóa cũng quyết định việc cho phép hay không việc dùng thuốc nổ công nghiệp khai thác đá trở lại ở mỏ đá này.
Nguy cơ doanh nghiệp rơi vào đường phá sản
Tháng 12/2020, sau khi có phản ánh của người dân xã Tân Phúc, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra thực tế và tạm đình chỉ mỏ đá vôi của Cty Thanh Hưng.
Kể từ đó đến nay, Cty Thanh Hưng nghiêm túc chấp hành theo văn bản tạm đình chỉ của UBND tỉnh Thanh Hóa để làm hồ sơ thay đổi phương án khai thác nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Trước việc kéo dài “lệnh” đình chỉ hoạt động, Cty Thanh Hưng có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm, Cty Thanh Hưng đã làm đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị được cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại với các phương án khai thác khả thi.
|
|
Giấy mời các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cơ quan báo chí đến chứng kiến việc nổ mìn ở mỏ đá của Công ty Thanh Hưng vào chiều 29/8/2022. Ảnh: Văn Thanh |
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Nguyễn Trung Luận, Phó Giám đốc Cty Thanh Hưng cho biết: Từ khi UBND tỉnh có văn bản đình chỉ mỏ đá cho đến nay, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc lệnh đình chỉ này. Tuy nhiên, do thời gian đình chỉ hoạt động kéo dài, tài sản, máy móc trang thiết bị của doanh nghiệp đã đầu tư phải nằm đắp chiếu một chỗ, xuống cấp, hư hỏng, hoen gỉ nhiều. Mặt khác, những tài sản này các cổ đông cũng đã cầm cố ngân hàng lên đến hơn 10 tỷ đồng, hàng tháng phải trả lãi hơn 100 triệu đồng, chưa kể hơn 30 lao động làm việc ở Cty mất việc làm, mất thu nhập. Để níu kéo một số lao động giỏi, có tay nghề, hàng tháng Cty vẫn phải trả lương cho 6 công nhân giỏi để khi mỏ đá hoạt động trở lại có người điều hành, sản xuất.
Về định hướng của Cty, nếu được phép hoạt động trở lại sẽ sử dụng phương pháp khai thác đá bằng khoan, cắt bằng máy cắt dây, sử dụng búa thủy lực và bột nở để tách phá đá, giảm chi phí khai thác, đảm bảo an toàn cho khu dân cư. Bên cạnh đó, Cty sẽ thực hiện xây dựng tường rào bao quanh, đảm bảo an ninh trật tự, giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường, ngăn chặn tình trạng đá bắn khi nổ mìn. Hiện đỉnh núi của mỏ đá vẫn còn nguyên hiện trạng, nếu không được nổ mìn làm mặt bằng thì sẽ không thể thực hiện được khai thác đá khối, đá xẻ theo phương án nói trên. Do đó, khi được cho phép hoạt động trở lại, Cty sẽ nổ mìn đúng quy chuẩn cho phép, không làm ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh. Còn nếu việc đình chỉ hoạt động mỏ đá cứ kéo dài thì nguy cơ Cty vỡ nợ, phá sản là điều rất dễ hiểu.
Ông Lê Hạ Thuật, cán bộ địa chính xã Tân Phúc, nơi có mỏ đá vôi của Cty Thanh Hưng đóng chân trên địa bàn cho hay: Địa phương đã nhiều lần giải quyết khiếu nại của công dân, Cty Thanh Hưng cũng đã bỏ ra nhiều tiền để khắc phục các sự cố mỗi lần nhân dân kiến nghị. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này thì tỉnh và phía Cty cũng cần có những phương án cụ thể, làm sao để cuộc sống người dân được an toàn, đảm bảo. Khi Cty có hoạt động khai thác trở lại cũng phải tuân thủ nghiêm theo các quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và không làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân khu vực gần mỏ đá.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.