Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại tỉnh Thừa Thiên Huế:

Chuyển từ chỗ bị động sang hoàn toàn chủ động

Thứ ba, 12/07/2022 15:56
(ThanhtraVietNam) – Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương với Tạp Chí Thanh tra, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố đã chuyển từ chỗ bị động sang hoàn toàn chủ động trong công tác tiếp công dân (TCD), nhiều vụ việc được xử lý dứt điểm ngay tại buổi tiếp công dân hoặc trả lời thấu tình, đạt lý và giao cho các cấp, các ngành có liên quan tham mưu xử lý nên về cơ bản những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (KN, TC, KN, PA) của công dân cơ bản được giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp công dân định kỳ tháng 7

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11- QĐ/TW 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KNTC” và Quy định số 11- QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, UBND tỉnh đã kịp thời quán triệt, triển khai, tổ chức một cách nghiêm túc; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 30/10/2014 về việc thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Luật TCD, Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ và nhiều văn bản lãnh đạo chỉ đạo, gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, trong đó luôn coi trọng, nhấn mạnh tập trung thực hiện hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11- QĐ/TW và các văn bản pháp luật quy định về công tác TCD và giải quyết KNTC, đồng thời xác định tầm quan trọng trong công tác TCD, giải quyết KNTC, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, tập huấn, đăng tin lên báo, đài phát thanh,... các văn bản về Luật TCD, Luật KN, Luật TC, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, Thông tư số 04/2021/TT-TTCP và Thông tư số 05/2021/TT-TTCP và văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động TCD, nâng cao vị trí, vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức làm công tác TCD, giải quyết KNTC.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chia sẻ 

Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện công tác TCD, giải quyết KNTC và các văn bản chỉ đạo Thủ trưởng các cấp, các ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD, giải quyết KNTC; Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về TCD, nhất là công tác TCD thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định; Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc KN, TC, KN, PA đã được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố kết luận, chỉ đạo qua công tác TCD.

Thực tiễn giải quyết các vụ việc KNTC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy tầm quan trọng của công tác phối hợp trong giải quyết giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan... đã tạo ra sự thống nhất chung trong việc quản lý, chấp hành và giám sát hoạt động TCD, tiếp nhận và giải quyết các KNTC của người dân trên địa bàn tỉnh góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa phương. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã dành thời gian thích đáng trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những PA, KN, KN, TC của công dân.

Không để phát sinh thành "điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự

Đánh giá về việc thực hiện các quy định về TCD định kỳ, đột xuất và đối thoại trong giải quyết KNTC của thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương cho biết, những năm qua, cũng như các địa phương trong cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy nhanh công tác lập, quản lý, chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng quy hoạch trên địa bàn tỉnh... Do đó, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, đặc biệt các dự án lớn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; dự án di dời dân ở Thượng Thành, Eo Bầu tại Khu vực I, Kinh thành Huế làm phát sinh nhiều KNTC là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, không bị động, bất ngờ, lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện và các Sở, ban, ngành xác định KNTC là lĩnh vực phức tạp, nếu không ổn định được tình hình sẽ không phát triển được kinh tế, thậm chí làm kìm hãm mọi sự phát triển và mọi việc đều phải đối phó và xử lý sự vụ. Do vậy, công tác TCD và giải quyết KNTC luôn được lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chia sẻ cùng Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn tỉnh

Trong năm 2021, Lãnh đạo UBND tỉnh và Thủ trưởng các cấp, các ngành đã thực hiện công tác TCD thường xuyên và định kỳ của lãnh đạo cơ quan với 1.820 lượt với 1.042 người, 923 vụ việc; trong đó, tiếp lần đầu 915 vụ việc, tiếp nhiều lần 08 vụ việc; số đoàn đông người 02 đoàn với 20 người.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ: “Lãnh đạo tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố đã chuyển từ chỗ bị động sang hoàn toàn chủ động trong công tác TCD, nhiều vụ việc được xử lý dứt điểm ngay tại buổi TCD hoặc trả lời thấu tình, đạt lý”. Cùng với đó, giao cho các cấp, các ngành có liên quan tham mưu xử lý nên về cơ bản những KN, TC, KN, PA của công dân cơ bản được giải quyết dứt điểm. Công tác đối thoại trong giải quyết KN đã được quan tâm, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác đối thoại, hòa giải ngay từ khi phát sinh vụ việc. Khi xảy ra các vụ việc KN, TC đông người, phức tạp hoặc những vấn đề dư luận xã hội quan tâm thì người đứng đầu cơ quan phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân, không để phát sinh thành "điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã quan tâm tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài thuộc địa bàn, lĩnh vực do cơ quan, đơn vị quản lý, chủ động trong công tác đối thoại với công dân để giải quyết các vấn đề còn xung đột. Nhờ đó, các vụ việc phức tạp, kéo dài được giải quyết cơ bản. Thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-UBND ngày 08/3/2019 về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài (bổ sung, kiện toàn Tổ công tác bằng Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 25/12/2020) và Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 18/7/2019 về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Kết quả, qua kiểm tra, rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 vụ việc của Đan viện Thiên An được cơ quan Trung ương giải quyết nhưng vẫn tiếp tục có đơn, thư. Hiện nay các cơ quan, ban, ngành có liên quan đang tiến hành xử lý vụ việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, hiện nay đang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đang được UBND tỉnh giao Tổ công tác để đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quan điểm của tỉnh đối với công tác xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài là tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài thuộc địa bàn, lĩnh vực do cơ quan, đơn vị quản lý. Chủ động trong công tác đối thoại với công dân để giải quyết các vấn đề còn xung đột. Trường hợp vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng không đúng chính sách, pháp luật thì phải kiên quyết sửa chữa đảm bảo đúng chính sách pháp luật; trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn còn thiếu sót thì phải chỉ đạo khắc phục, bổ sung kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân. Trường hợp vụ việc KNTC đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật nhưng do pháp luật qua nhiều thời kỳ thay đổi (thiếu sự kế thừa) dẫn đến việc giải quyết cho người dân có bị thiệt thòi hoặc trường hợp đối tượng có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì Chủ tịch UBND thành phố, các huyện, thị xã, Thủ trưởng cơ quan có liên quan xem xét vận dụng các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp để người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại. Trường hợp vụ việc đã được giải quyết đúng quy định pháp luật, có lý, có tình thì Chủ tịch UBND thành phố, huyện, thị xã và Thủ trưởng cơ quan có liên quan phối hợp với Măt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội giải thích, vận động để người KNTC chấp hành và thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết.

Trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã thực hiện đầy đủ công tác TCD định kỳ theo quy định của Luật TCD, ngoài ra, hàng tháng còn phân công thêm các Phó Chủ tịch UBND tỉnh luân phiên TCD tại Trụ sở TCD của tỉnh, việc phân công và tăng thêm thời lượng TCD của lãnh đạo UBND tỉnh qua đó đã góp phần tiếp nhận, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, hạn chế đơn thư vượt cấp./.

Huy Trần
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra