Nỗ lực hạn chế đơn thư kéo dài, vượt cấp
Trong năm 2023, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, so với năm 2022, số lượt tiếp công dân giảm 248 lượt (9,1%) và giảm 87 người (2,3%); tổng số đơn thư tiếp nhận giảm 485 đơn (10,9%); số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 21 vụ (29,1%). Nội dung các vụ việc tập trung trong lĩnh vực đất đai, liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất,… Số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 05 vụ (33,3%). Nội dung tố cáo đối với cán bộ cấp xã chiếm tỉ lệ cao, liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, việc thực hiện chính sách xã hội. Còn tình trạng công dân gửi đơn thư trùng nội dung đến nhiều nơi, nhiều cấp; có vụ việc đã được các cấp, các ngành giải quyết hết thẩm quyền, đảm bảo đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo.
|
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười tiếp công dân định kỳ tháng 9/2023. Ảnh: Báo Đắk Nông |
Các cơ quan có thẩm quyền đã thụ lý 72/72 vụ việc khiếu nại, đạt tỷ lệ 100%, giải quyết xong 60/72 vụ việc, đạt tỷ lệ 83,3% (tăng 16,6% so với năm 2022); đã thụ lý 10/10 vụ việc tố cáo, đạt tỷ lệ 100%, giải quyết 06/10 vụ việc, đạt tỷ lệ 60%. Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và xử lý xong 3.545 đơn kiến nghị, phản ánh, trong đó có 3.120 đơn với 3.007 vụ việc đủ điều kiện xử lý
Đặc biệt trong thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh và một số huyện, thành phố đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, qua đó góp phần rất lớn trong việc hạn chế đơn thư kéo dài, vượt cấp.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 12/4/2023 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật; hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, tập trung khiếu kiện vượt cấp. Kế hoạch đã xác định rõ mục đích, yêu cầu; đề ra các nội dung, nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định, trong đó tập trung các nội dung chủ yếu sau: tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực về đất đai, môi trường, quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị và các vấn đề mới phát sinh được dư luận và nhân dân quan tâm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh đã được kiểm tra, rà soát và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị.
Có lúc, có nơi còn thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo
Mặc dù công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để, cụ thể: Công tác tiếp công dân chưa gắn với việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giải quyết của các cấp, các ngành, dẫn đến hiệu quả sau khi tiếp công dân chưa cao. Còn tình trạng xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn chưa đúng, dẫn đến hướng dẫn gửi đơn không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cấp xã còn thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết, dẫn đến việc giải quyết một số vụ việc còn chậm, quá thời hạn quy định, không dứt điểm; chưa tuân thủ quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo có hiệu lực pháp luật chưa nghiêm túc.
Một số nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nói trên được nhận định là do: Tại địa phương, nhiều dự án phải thu hồi đất nhưng chậm trễ bố trí tái định cư hoặc chưa bố trí quỹ đất để tái định cư trước khi thu hồi. Chính quyền địa phương ở một số nơi chưa giải thích, vận động, chưa làm tốt công tác tiếp công dân, chưa xử lý, giải quyết kịp thời đơn thư mới phát sinh; chưa chấp hành đúng quy định pháp luật về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; thiếu quyết liệt trong xử lý tình trạng chiếm đất tại các dự án nông lâm nghiệp; một số vụ việc kiến nghị đông người, kéo dài, đã được kiểm tra, rà soát và có các giải pháp để giải quyết, tuy nhiên các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chậm thực hiện giải pháp giải quyết, nên đến nay chưa giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan do bất cập trong chính sách về giá đất, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc ảnh hưởng của một số dự án đến môi trường sống của người dân tại khu vực các dự án năng lượng tái tạo - điện gió; các dự án khai thác khoáng sản,... Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện.
Giải pháp và kiến nghị của địa phương
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động và yêu cầu của việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh sẽ phát sinh nhiều và phức tạp, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Khiếu kiện đông người, phức tạp có thể phát sinh ở những địa phương chưa triển khai thực hiện tốt trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, tuyên truyền, công khai minh bạch và giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Ngoài ra, các đối tượng xấu có thể lợi dụng cơ hội để kích động, lôi kéo, mua chuộc người dân khiếu nại, tố cáo đông người, tập trung, gây áp lực với chính quyền hoặc có những hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, Nhân dân. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về lĩnh vực quản lý đất đai trong thời gian tới tiếp tục thay đổi, có thể làm phát sinh tâm lý so sánh việc áp dụng pháp luật cũ và mới, dẫn đến khiếu kiện.
Chính vì thế, trong năm 2024, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đặc biệt, cần tập trung tổ chức thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, kéo dài.
Thứ hai, Thanh tra các cấp tăng cường kiểm tra trách nhiệm, qua đó hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú ý các địa bàn còn phát sinh nhiều khiếu kiện và các xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo thẩm quyền, xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm, sang nhượng đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên địa bàn.
Thứ tư, tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội; xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp công dân trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất và đối thoại để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh từ cơ sở.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tổ chức triển khai, tập huấn, quán triệt thực hiện Nghị định 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Trước thực tế công dân thường gửi đơn đến nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều lần về cùng một nội dung, để tránh việc phải chuyển đơn hoặc trả lời đơn nhiều lần cho công dân, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét bổ sung vào Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, đơn phản ánh, cho phép lưu đơn đối với đơn trùng nội dung đã được xử lý./.
K. Dung