Để khuyến khích người dân tích cực đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực

Thứ ba, 16/08/2022 18:55
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện đa số là do báo chí và người dân cung cấp thông tin, sau đó cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý. Số vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện thông qua các hoạt động quản lý nhà nước thường không lớn, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực tuy đã bị phát hiện nhưng không kịp thời xử lý, vẫn còn tình trạng bao che hoặc có xử lý nhưng không tương xứng đối với hành vi vi phạm và ít công khai để người dân được biết. Do vậy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực nhất là tham nhũng "vặt" vẫn còn xảy ra.
leftcenterrightdel
 

Trên thực tế, người dân biết các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức nhưng ngại đấu tranh, tố cáo là do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hiện nay vẫn có một bộ phận người dân khi liên hệ với cơ quan nhà nước để giải quyết các công việc thì có hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho cán bộ, công chức để được quyết công việc một cách nhanh chóng. Và, một khi đã có hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc tiếp tay cho hành vi tham nhũng, tiêu cực thì không có chuyện lại đi tố cáo chính mình.

Thứ hai, khi người dân tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng nhiều vụ việc lại thiếu chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm nên các cơ quan tiếp nhận đơn thư tố cáo thường không thụ lý để giải quyết. Đôi khi, người dân tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực và có chứng cứ kèm theo nhưng sợ trả thù nên không tiết lộ danh tính của mình, cho nên vụ việc cũng không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết.

Thứ ba, người dân tố cáo đúng về hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng đổi lại thì gặp rất nhiều phiền toái. Rất nhiều trường hợp, người tố cáo tham nhũng, tiêu cực bị trả thù như bị nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần, bị đối tượng "xã hội đen" tấn công… Bên cạnh đó, người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực ít khi nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của người thân và cộng đồng.

Thứ tư, khi người dân tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức nhưng vẫn có một số cơ quan có thẩm quyền xử lý thiếu kiên quyết, cố tình bao che cho hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì được điều chuyển sang vị trí khác, đôi khi được chuyển lên vị trí cao hơn làm cho người tố cáo tham nhũng, tiêu cực giảm sút niềm tin.

Thứ năm, hiện nay việc khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện và xử lý là do người dân tố cáo nhưng ít khi được vinh danh, có trường hợp họ lại bị phê bình, nhắc nhở tại cơ quan, đơn vị và nơi cư trú. Việc khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa tương xứng với hành động của họ.

Để khuyến khích người dân tích cực tham gia đấu tranh với hành vi tham nhũng, tiêu cực cần phải có những giải pháp hiệu quả để bảo vệ người tố cáo và tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức và công khai để nhân dân được biết nhằm củng cố niềm tin của người tố cáo. Có như vậy, mới góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hành vi tham nhũng, tiêu cực hiện nay./.

Minh Đức
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra