Đồng Nai:

Một số khó khăn trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 trên địa bàn huyện Trảng Bom

Thứ năm, 09/02/2023 11:50
(ThanhtraVietNam) – Theo UBND huyện Trảng Bom, trong năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, huyện Trảng Bom đã triển khai và thực hiện nhiều công trình đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị… phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong đó, có nhiều dự án đầu tư xây dựng phải vận động nhân dân hiến đất, ban hành các quyết định thu hồi, giải tỏa đất do đó có ít, nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Kết quả giải quyết đơn tố cáo đạt 100%

Cũng theo UBND huyện, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện nhìn chung phát sinh chủ yếu liên quan đến việc tranh chấp đất đai, bồi thường hỗ trợ và bố trí tái định cư các khu đất bị giải tỏa. Trong công tác này có một số ít trường hợp chưa phù hợp với nguyện vọng của một bộ phận người dân, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Trong năm 2022, tổng số tiếp nhận 861 đơn (khiếu nại 55 đơn, tố cáo 23 đơn, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị 783 đơn). Kết quả xử lý: số đơn, số vụ việc thuộc thẩm quyền: 207 đơn, vụ việc; Số đơn, số vụ việc không thuộc thẩm quyền: 654 đơn, vụ việc. Đã giải quyết 36 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền (kỳ trước chuyển sang 06 đơn, phát sinh trong kỳ 30 đơn), trong đó, đã giải quyết bằng quyết định 31/36 đơn khiếu nại (trong đó: 03 đơn khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 01 đơn khiếu nại văn bản hành chính, 01 đơn khiếu nại hành vi hành chính của UBND huyện và 26 đơn khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường bồi thường).

Còn 05 đơn đang tạm ngưng giải quyết: Qua làm việc thống nhất với người khiếu nại tạm ngưng chờ xin ý kiến tỉnh và kết quả rà soát của các ngành có liên quan. 

leftcenterrightdel
UBND huyện cũng kiến nghị có hướng xử lý đối với các đơn khiếu nại đã được giải quyết nay chuyển sang tố cáo (Ảnh: Đình Thuyết) 

Ngoài ra, đã giải quyết 13 đơn, vụ việc tố cáo và 141 đơn phản ánh, kiển nghị.

Một số khó khăn trong công tác giải quyết đơn

Cũng theo UBND huyện, bên cạnh những kết quả đạt được; trong công tác giải quyết vẫn còn một số khó khăn, cụ thể: Một số vụ việc khiếu nại, do người được ủy quyền chưa nắm bắt hoặc thiếu hiểu biết sâu về nội dung vụ việc dẫn đến khó khăn, trở ngại cho cơ quan trong quá trình giải quyết.

Nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật, đã rà soát nhiều lần, để có hướng giải quyết có lý, có tình, nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều cấp, nhiều nơi hoặc sau khi khiếu nại không được chuyển sang tố cáo.

Cũng theo UBND huyện, do chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là giá bồi thường thấp so với giá thị trường chưa giảm.

Bên cạnh đó, chính sách bồi thường hỗ trợ về đất đai quy định ngày càng có lợi cho người dân dẫn đến những trường hợp trước đây đã bồi thường nay tiếp tục đòi được áp dụng chính sách mới có lợi hơn, làm cho vụ việc khiếu nại kéo dài.

Việc tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định có liên quan đến giải quyết khiếu nại, khiếu kiện tranh chấp đất đai còn vướng mắc chưa phù hợp với thực tế đã gây khó khăn cho quá trình giải quyết các vụ việc.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, UBND huyện cũng đề ra một số giải pháp, cụ thể:

Một là, nâng cao tinh thần trách trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trước hết là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền của người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Hai là, nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trước hết là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, khi được giao nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Ba là, phát huy vai trò của tổ hòa giải cơ sở; làm tốt công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia giám sát./.

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết đơn để kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các khiếu nại, tố cáo từ cơ sở. Phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Năm là, tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân có phẩm chất đạo đức tốt, vững về pháp luật, nghiệp vụ, có khả năng “dân vận tốt”; hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu công tác.

Sáu là, quá trình tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của công dân phải tập trung chỉ đạo để xử lý, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, không để tồn đọng, hình thành vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Thường xuyên tranh thủ ý kiến tư vấn của các đơn vị chuyên môn có chức năng tham mưu, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật./.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra