Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể có liên quan trong việc thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo, xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh mang tính chất gay gắt và phức tạp, không để các điểm nóng xảy ra, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, củng cố niềm tin của Nhân dân.
|
|
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì phiên tiếp công dân định kỳ tháng 2/2023. Nguồn ảnh: https://truyenhinhnghean.vn/ |
Tiếp 1.122 lượt, với 1.174 công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh
Quý I/2023, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã tiếp 1.122 lượt, với 1.174 công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh (giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2022). Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh trong quý I là 1.973 đơn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đơn đủ điều kiện xử lý 1.632 đơn, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ 100 vụ việc tăng 8,7 so với cùng kỳ năm 2022. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 68/100 vụ việc, đạt tỷ lệ 68%, còn lại 32 vụ việc đang trong thời gian được Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp xác minh, giải quyết theo quy định. Qua giải quyết, tố cáo, cơ quan chức năng đã đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý hành chính 02 cá nhân có sai phạm (trong đó 01 cán bộ, công chức).
Tình trạng công dân đến khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai như: Xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ công chức tham mưu giải quyết trong lĩnh vực này vẫn xảy ra.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 02 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp (theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ) đang được giải quyết. Đó là vụ việc khiếu nại việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và vụ việc tranh chấp đất đai giữa Lâm trường Đồng Hợp với các hộ dân xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp.
Nhiều chuyển biến tích cực
Phải nói rằng, thời gian qua Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Các cấp, các ngành đã đề cao trách nhiệm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở. Công tác tiếp công dân tại các cấp, các ngành được thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kỹ năng phân loại và xử lý đơn thư của cán bộ công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư ngày càng được nâng lên, đơn thư của công dân được tập trung về một đầu mối, được chuyển đến đúng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nên đã hạn chế và giảm được hiện tượng tụ tập đông người và đơn thư vượt cấp kéo dài.
Nhưng vẫn còn tồn tại...
Một số Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được với tình hình thực tế, làm hạn chế chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số ngành, địa phương còn chậm, chất lượng còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc theo dõi, tích hợp, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc phân loại, xử lý đơn thư tại một số địa phương, đơn vị chưa chính xác, chưa đúng với bản chất sự việc (nội dung đơn là khiếu nại, tố cáo nhưng lại phân loại là kiến nghị, phản ánh hoặc ngược lại) dẫn đến quy trình giải quyết sai quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện một số Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật chưa dứt điểm. Thêm nữa, mặc dù các cấp, các ngành đã nỗ lực, quyết tâm trong việc giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ nhưng đến nay vẫn còn lại 02 vụ việc chưa giải quyết dứt điểm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa nhất quán, có sự chênh lệch giữa giá bồi thường so với giá trị thực tế. Pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về xử lý đối với các trường hợp khiếu nại sai, tố cáo sai, đồng thời chưa có chế tài quy định đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết hết thẩm quyền, yêu cầu công dân phải thực hiện việc khởi kiện ra cơ quan Tòa án.
Ngoài ra, một số công dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo nên trong thực tế tình trạng khiếu nại, tố cáo sai, hoặc khiếu nại, tố cáo có đúng có sai còn khá phổ biến và chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều đơn thư có nội dung không rõ ràng hoặc trình bày không đúng nội dung yêu cầu giải quyết. Đặc biệt có một số trường hợp nội dung đơn thư đã được các cấp, các ngành, giải quyết, trả lời đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình tiếp tục khiếu nại, tố cáo để làm phức tạp tình hình.
Nhận thức về pháp luật của một số cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế, nhất là trong việc xác định nội dung đơn, thẩm quyền xử lý, giải quyết do đó đã có một số vụ việc giải quyết chưa đảm bảo nội dung đơn của công dân. Chất lượng giải quyết đơn thư nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã và tại một số cơ quan đơn vị đạt kết quả chưa cao, thời gian giải quyết còn chậm.
Công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực, nhất là đất đai (đặc biệt là ở cấp xã) còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ, có lúc chưa đảm bảo sự công bằng (nhất là trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng....) dẫn đến có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu
Trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung tại Nghệ An tiếp tục diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tập trung nhiều ở những địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tính chất của một số vụ việc đông người, phức tạp sẽ có xu hướng tăng lên. Khiếu nại đông người, phức tạp sẽ phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Để thực hiện tốt việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch số 531/KH-UBND ngày 10/10/2013 của UBND tỉnh Nghệ An.
Tiếp tục triển khai và thực hiện Thông tư số 02/2021/TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ về nhập số liệu vào phần mềm hệ thống báo cáo công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và chỉ đạo việc sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành; Giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong Nhân dân, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho Nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung; pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng./.
K. Dung