Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15:

Quy định chưa thống nhất gây áp lực lớn cho bộ máy làm công tác giải quyết khiếu kiện hành chính

Thứ ba, 21/03/2023 15:26
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại như tiến độ giải quyết một số vụ án hành chính còn chậm; tỷ lệ giải quyết chưa cao; vẫn còn một số bản án bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của thẩm phán…

Đã thụ lý 37.011 vụ, đã giải quyết, xét xử được 30.903 vụ, đạt tỷ lệ 83,5%

Kết quả giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021 các vụ án hành chính có xu hướng tăng về số lượng và tính chất phức tạp, đối tượng khởi kiện ngày càng đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xử lý vi phạm hành chính về xây dựng. Trong kỳ báo cáo, Tòa án nhân dân  (TAND) các cấp đã thụ lý 37.011 vụ; đã giải quyết, xét xử được 30.903 vụ, đạt tỷ lệ 83,5%.

Quá trình giải quyết, xét xử, các cơ quan Tòa án đã bảo đảm giải quyết đúng theo quy định của Luật Tố tụng hành chính về nội dung và trình tự tố tụng; làm tốt công tác tổ chức đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án, hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ.

Để bảo đảm quyền khởi kiện vụ án hành chính của công dân, tổ chức, bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết vụ án hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan hành chính thực hiện nghiêm các quy định Luật Tố tụng hành chính, nhất là về trách nhiệm tham gia phiên tòa, đối thoại, giải trình, cung cấp kịp thời đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện, thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định của Tòa án.

Cùng với đó, Chánh án TAND tối cao đã quán triệt và yêu cầu các Tòa án thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 về nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ án hành chính và đề ra nhiều giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính; Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã hướng dẫn, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với UBND và TAND trong việc giải quyết vụ án hành chính...

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như tiến độ giải quyết một số vụ án hành chính còn chậm; tỷ lệ giải quyết chưa cao; vẫn còn một số bản án bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của thẩm phán.

Việc tham gia tố tụng của người đại diện theo pháp luật của người bị kiện (chủ yếu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện) chưa kịp thời, chưa đầy đủ và phần lớn là ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, cấp phó được ủy quyền ít tham gia, thường xuyên có văn bản xin được xét xử vắng mặt vì lý do công việc, thậm chí có vụ án không tham gia tất cả các phiên họp, phiên đối thoại, phiên tòa nên Tòa án phải hoãn phiên họp, phiên tòa nhiều lần, mất nhiều thời gian, dẫn đến một số trường hợp người khởi kiện bức xúc, phản ứng gay gắt gây ảnh hưởng đến tiến độ xét xử vụ án.

Bên cạnh đó, việc thụ lý của cơ quan tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính tuy đã được ngành Tòa án hướng dẫn thông qua công tác tổng kết hằng năm và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nhưng trong một số vụ việc cụ thể còn có sự nhận thức khác nhau về quyết định hành chính, hành vi hành chính, nhất là đối với hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn

Còn nhiều tồn tại cần khắc phục trong giải quyết các vụ án hành chính ở tòa án

Và tình trạng chậm thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm được khắc phục do chưa có quy định cụ thể về cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện thi hành án hành chính, trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người phải thi hành án là cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước và bên được thi hành án là người dân, doanh nghiệp.

Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trong việc giải quyết vụ án hành chính ở tòa án. Cụ thể, khái niệm quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện tại cơ quan Tòa án rộng hơn rất nhiều so với quyết định hành chính thuộc đối tượng bị khiếu nại và có thể được thể hiện dưới dạng văn bản hành chính khác như: Thông báo, Công văn... dẫn đến nhiều trường hợp công dân không biết để thực hiện quyền khiếu nại, quyền khiếu kiện đối với những quyết định hành chính được thể hiện không theo thể thức quyết định hành chính thông thường.

Một nguyên nhân nữa, quy định của Luật tố tụng hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là trách nhiệm của cơ quan Kiểm sát trong việc thực hiện chức năng kiểm sát đối với án hành chính; trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước trong việc tham gia, phối hợp với cơ quan Tòa án khi giải quyết các vụ án hành chính chưa được quy định cụ thể, thiếu quy định bắt buộc dẫn đến hiệu quả, chất lượng giải quyết vụ án hành chính chưa cao.

Bên cạnh đó, quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính hiện nay còn bất cập, chưa phù hợp với năng lực hiện có của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết do việc quy định công dân vừa có quyền khởi kiện quyết định hành chính ban đầu, vừa có quyền khởi kiện quyết định giải quyết hành chính lần 1 cũng như giải quyết lần 2 nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan hành chính dẫn đến số vụ việc hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, cơ quan Tòa án tăng lên rất nhiều (bản chất là 1 việc) đã gây áp lực lớn cho bộ máy làm công tác giải quyết khiếu nại, giải quyết khiếu kiện hành chính.

Mặt khác, cũng có nguyên nhân ở khấu tổ chức thực hiện, theo đó việc thực hiện công tác phối hợp giữa cơ quan Tòa án với cơ quan hành chính nhà nước, Viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ án hành chính ở một số địa phương thực hiện chưa tốt. Một số UBND chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật như: việc cung cấp tài liệu, chứng cứ còn chậm, không đầy đủ, thậm chí có trường hợp không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án; chậm thi hành bản án hành chính.

Việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn do một số địa phương tiến hành sáp nhập, chia tách nhiều lần dẫn đến việc lưu trữ, bảo quản giấy tờ không đầy đủ hoặc bị thất lạc. Nhiều vụ án các đương sự không hợp tác, gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình đo vẽ hiện trạng, thẩm định tài sản.

Ngoài ra, thẩm quyền xét xử sơ thẩm án hành chính hiện nay chủ yếu là TAND cấp tỉnh tuy nhiên số lượng thẩm phán tòa án cấp tỉnh còn quá ít so với yêu cầu do đó số lượng án hành chính bị tồn đọng khá lớn, nhất là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra