Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp

Thứ năm, 25/08/2022 17:08
(ThanhtraVietNam) - Lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) rộng, bao gồm: Lao động, tiền lương; việc làm, giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội. Các lĩnh vực này tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân.

Trong những năm qua, nhiều chính sách mới được ban hành, nhiều quy định pháp luật đã được kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, việc thực hiện chế độ chính sách cho các đối tượng tại các địa phương đã chuyển biến tích cực, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch. Vì vậy, so với giai đoạn 2011-2015, trong giai đoạn 2016 - 2021, số lượt công dân cũng như đơn thư khiếu nại, tố cáo, chính sách liên quan đến đề nghị được hưởng chế độ giảm. Tuy nhiên, số lượng công dân và đơn thư gửi đến Bộ để kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách còn lớn, do đó đặt ra nhiều thách thức cho ngành LĐTBXH nói chung và Bộ LĐTBXH nói riêng.

Từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trên thế giới và trong nước. Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ LĐTBXH đã tạm hoãn tiếp công dân từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, do đó, tuy số lượng công dân và đơn thư đến Bộ giảm đi nhưng số lượng phản ánh, đề nghị, hỏi chính sách qua đường dây nóng, hộp thư điện tử có xu hướng tăng lên.

Bộ LĐTBXH cho biết, với việc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành đang dần được hoàn thiện, dự báo số lượng công dân có đơn khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm, trong khi đó đơn kiến nghị, hỏi chính sách có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

Về khiếu nại, công dân đến trụ sở tiếp công dân của Bộ trình bày hoặc gửi đơn khiếu nại chủ yếu về lĩnh vực người có công với cách mạng (chiếm tỷ lệ 70.6%) như đề nghị xét công nhận và hưởng các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, khiếu nại việc thực hiện chính sách ưu đãi không đúng; lĩnh vực bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 17,5%) như đề nghị điều chỉnh lương hưu, cộng nối thời gian công tác để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; các lĩnh vực khác (chiếm tỷ lệ 11,9%) như đề nghị giải quyết trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động, đề nghị can thiệp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết đất đai, nhà cửa...

Về tố cáo, nội dung đơn tố cáo của công dân chủ yếu về việc một số địa phương xét, công nhận người có công với cách mạng chưa công bằng; tố cáo một số trường hợp hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ không đúng quy định; tố cáo một số cá nhân làm hồ sơ giả cho một số đối tượng cùng địa phương hưởng chế độ.

Về khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, mặc dù lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH rộng, tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân, đặc biệt là các lĩnh vực người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội. Đây là những lĩnh vực có tính chất lịch sử, khó khăn trong việc xác nhận đối tượng vì mất giấy tờ, nhưng Bộ đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Nhìn chung, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nên việc thực hiện các quỵ định của pháp luật lao động đối với người lao động không được đảm bảo, như: chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, chậm trả lương... dẫn đến phát sinh khiếu nại, phản ánh về hỗ trợ người lao động bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, nhận thức của công dân còn hạn chế, am hiểu về quy định pháp luật chưa đầy đủ, nắm bắt thông tin chưa kịp thời, nên đôi khi yêu cầu chế độ không chính đáng, không đúng quy định hoặc tập trung khiếu nại, tố cáo theo sự kích động, lôi kéo của người khác.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng, mức hỗ trợ ngày càng tăng, nhiều chế độ, định mức được điều chỉnh nên số lượng đơn gửi đến Bộ LĐTBXH phần lớn có nội dung hỏi, so sánh chính sách giữa các giai đoạn.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tế triển khai cho thấy, công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng của một số địa phương chưa thực hiện thường xuyên, liên tục. Chưa có quy định về đảm bảo thi hành quyết định giải quyết khiếu nại nên hiệu lực thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại chưa cao.

Mặt khác, một số cơ quan chưa kịp thời, không đúng hoặc giải thích không rõ ràng nên công dân bức xúc dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc vi phạm các quy định về an toàn lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương nhằm thu lợi nhuận cao.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra