Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

Thứ ba, 11/07/2023 09:57
(ThanhtraVietNam) - Để nâng cao tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro của thị trường; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.

Nhận diện về công bố thông tin của các ngành

Báo cáo khảo sát về hoạt động công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán năm 2023, thuộc Chương trình IR Awards 2023 do Vietstock đồng tổ chức được thực hiện đối với 731/738 doanh nghiệp, đây là tất cả các tổ chức niêm yết trên sàn HOSE và HNX trước ngày 01/05/2022. Danh sách Doanh nghiệp niêm yết đạt Chuẩn Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2023 gồm có 364 đơn vị, tương ứng với tỷ lệ khoảng 50%, giảm nhẹ so với tỷ lệ 52% của kỳ khảo sát liền trước.

Theo báo cáo, xét trên những ngành tiêu biểu, chứng khoán là ngành có tỷ lệ Doanh nghiệp đạt Chuẩn CBTT năm 2023 cao nhất thị trường. Cụ thể, ngành này có 20/25 Doanh nghiệp đạt Chuẩn CBTT năm 2023, tương đương tỷ lệ 80%. Con số này lớn hơn rất nhiều so với ngành đứng thứ nhì là ngân hàng (tỷ lệ đạt 65%). Trong số các gương mặt đạt Chuẩn CBTT của ngành chứng khoán có rất nhiều cái tên đình đám và thường xuyên đạt được các giải thưởng quốc tế cũng như trong nước như: CTCP Chứng khoán SSI, CTCP Chứng khoán MB, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội …

Ngành ngân hàng giữ vị trí thứ hai khi có 13/20 doanh nghiệp tuân thủ tốt hoạt động CBTT, với tỷ lệ đạt chuẩn là 65%. Đây cũng không phải là bất ngờ lớn vì ngành này thường xuyên nằm trong top dẫn đầu ở các năm trước. Nếu phải chỉ ra ngành có sự tiến bộ vượt bậc trong năm 2023 thì đó chắc chắn sẽ là bất động sản. Trong năm 2022, ngành này vẫn đang nằm trong nhóm cuối bảng. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong năm 2023 khi bất động sản đã có sự cải thiện lớn và đứng ở giữa bảng xếp hạng.

Đáng chú ý, ngành Xây dựng cùng với ngành Bảo hiểm đứng cuối bảng xếp hạng về tỷ lệ đạt Chuẩn CBTT trong năm 2023. Ngành Bảo hiểm gây bất ngờ khi hoạt động công bố thông tin của nhóm này đi xuống và rơi về nhóm đứng cuối bảng xếp hạng với tỷ lệ đạt chuẩn chỉ có 33%; năm 2022 có 5 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đạt Chuẩn CBTT nhưng đến 2023 chỉ còn 3 DNNY bao gồm: Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, CTCP PVI…

Nếu xét riêng từng tiêu chí khảo sát công bố thông tin trên toàn thị trường (tức trên 731 doanh nghiệp niêm yết được khảo sát) thì các doanh nghiệp niêm yết đã hoàn thành tốt. Hầu hết tỷ lệ ở các hạng mục đều trên 90%; riêng hạng mục khảo sát về Vi phạm giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ có đến 99% DNNY đáp ứng được tiêu chí này, tương ứng với 728 doanh nghiệp. Điều này cho thấy các cổ đông nội bộ ngày càng có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về giao dịch cổ phiếu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên ở hạng mục báo cáo tài chính kỳ 6 tháng năm 2022 chỉ đạt 84% và đặc biệt hạng mục nhắc nhở, xử phạt vi phạm CBTT chỉ có 77%, đây cũng là vấn đề cần phải lưu ý.

leftcenterrightdel

Doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn và không đạt chuẩn công bố thông tin năm 2023 theo nhóm ngành. (Ảnh biểu đồ: vafe.org.vn) 

Nhìn chung, tỷ lệ Doanh nghiệp niêm yết đạt Chuẩn CBTT có xu hướng tăng dần theo thời gian trong 13 năm qua (2011-2023). Trong ba năm gần nhất (2021-2023), tỷ lệ này vẫn duy trì ở vùng cao so với trước nhưng đã có xu hướng chững lại. Đây cũng là giai đoạn hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và hoạt động CBTT nói riêng có những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng như thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến cố lớn. Trong suốt giai đoạn 2011-2023, chỉ có duy nhất 2 đơn vị xuất hiện trong Danh sách DNNY đạt Chuẩn CBTT được 11 lần là CTCP Sữa Việt Nam và CTCP Cát Lợi. Việc không có bất cứ doanh nghiệp nào duy trì sự xuất hiện liên tục trong danh sách DNNY đạt Chuẩn CBTT trong 13 năm thể hiện một thực tế khốc liệt là việc tuân thủ các quy định về CBTT của cơ quan chức năng là không hề dễ dàng. Điều này thực sự là một thử thách ngay cả đối với những doanh nghiệp lớn và đầu ngành.

Một số giải pháp cần triển khai

Minh bạch thông tin là yếu tố cơ bản, nền tảng để phát triển bền vững thị trường chứng khoán. Do đó, vấn đề đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng các thông tin công bố của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai. Tại Việt Nam, các quy định đảm bảo minh bạch thông tin đã được thể hiện cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật và thực tế thị trường thông qua việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc đảm bảo minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vì vậy trong thời gian tới cần có một số giải pháp khắc phục như:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CBTT. Cần quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung về CBTT trên TTCK trong các văn bản pháp luật. Rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong việc CBTT. Tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư..., đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán. Theo đó, cần nâng trần mức xử phạt, hoặc đưa ra mức xử phạt gấp nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm, cộng thêm các hình thức xử phạt bổ sung như cấm giao dịch, cấm hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán…

Thứ hai, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường. Tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Thứ ba, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động quản lý. Tiếp tục triển khai hệ thống CBTT dành cho công ty đại chúng nhằm hỗ trợ các công ty đại chúng thực hiện việc báo cáo và CBTT điện tử. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác quản lý giám sát các thành viên thị trường như: Công ty chứng khoán, Công ty Quản lý quỹ và quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký giám sát, Văn phòng đại diện/Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Người hành nghề chứng khoán…

Thứ tư, nâng cao vai trò của công ty kiểm toán đối với chất lượng CBTT, bên cạnh việc nâng mức xử phạt khi các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên không làm đúng trách nhiệm của mình, cũng cần có biện pháp làm giảm xung đột lợi ích giữa công ty kiểm toán với doanh nghiệp niêm yết. Việc giới hạn chi phí, số dịch vụ công ty kiểm toán được cung cấp cho doanh nghiệp hay việc chỉ định công ty kiểm toán được thực hiện bởi bên thứ ba, quy định về thời gian kiểm toán kéo dài 5-7 năm là những giải pháp cần được xem xét và nghiên cứu áp dụng.

Thứ năm, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán sẽ được chú trọng nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả. Theo đó, UBCKNN cần tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường; đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát, hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê.

Đồng thời, UBCKNN phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro của thị trường; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.

Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra