Để nâng hạng TTCK cần những nỗ lực tổng thể của cả nền kinh tế và chính các doanh nghiệp
Trước một số tín nhiệu tích cực như việc S&P Global Ratings vừa nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (lên BB+); NYSE công bố sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng hạng; Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường… đã tạo kỳ vọng lớn cho nhà đầu tư Việt Nam về ngày nâng hạng TTCK sắp đến, nhiều tỷ USD sẽ đổ thị trường... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn sâu vào bản chất nâng hạng sẽ thấy, ngày nâng hạng TTCK Việt Nam có lẽ còn xa khi chúng ta khó đáp ứng ít nhất 3 - 5 điều kiện để được sự đồng thuận nâng hạng của các tổ chức quốc tế…
Trong số các tổ chức xếp hạng thị trường mà tiêu biểu là MSCI và FTSE Russel thì MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên, trong khi đó FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có nhiều buổi làm việc với MSCI, FTSE Russell để trao đổi, chia sẻ, làm rõ các thông tin liên quan đến TTCK Việt Nam, nhưng những cải tiến để đi đến những bước tiến nâng hạng chưa có gì nhiều trong hơn 1 năm qua.
Nhìn vào bộ tiêu chí FTSE Russell, TTCK Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Tiêu chí “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “Hạn chế” do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và tiêu chí “Thanh toán - Tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá do yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.
Còn nếu xét theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn một số tiêu chí cần phải cải thiện để có thể nâng hạng, đó là: giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; TTCK bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin Tiếng Anh và room sở hữu; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD…
Các chuyên gia đánh giá, điểm khó đầu tiên trong các tiêu chí Việt Nam đang thiếu là “tự do hóa thị trường ngoại hối”. Theo định nghĩa, tự do hoá thị trường ngoại hối là cho các nguồn vốn nước ngoài và trong nước tự do luân chuyển, tạo sự hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu kinh tế thương mại với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, đây là điều chưa được hiện thực hóa ở Việt Nam.
Pháp lệnh Ngoại hối 2005, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung năm 2013, là văn bản pháp lý cao nhất trong các hoạt động quản lý ngoại hối của Việt Nam. Trong đó quy định các giao dịch vốn ra và vào Việt Nam đều được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ của một tổ chức tín dụng.
Theo đó, các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng được phép vay và trả nợ bằng ngoại tệ nhưng phải thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Pháp lệnh sửa đổi năm 2013 quy định rõ hơn nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, theo hướng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản. Những nội dung trên cho thấy, Việt Nam chưa thể vượt qua được tiêu chí về mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối.
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ đến, nhưng chưa thể trong tương lai gần
Tiếp theo là “Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền”. Ghi nhận trên thị trường, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, điều họ cần nhất là tiền và chứng khoán phải được chuyển giao đồng thời trong ngày, để đảm bảo tính hiệu quả của việc đầu tư, đồng thời đảm bảo nguyên tắc quản lý rủi ro của danh mục.
Tuy nhiên tại Việt Nam, tiền mua cổ phiếu vẫn phải chuyển trả thanh toán tối thiểu 1 ngày trước ngày cổ phiếu về tài khoản người mua, còn tiền bán chứng khoán, về nguyên tắc, phải 3 ngày sau mới về đến tài khoản người bán. Đặc tính này tiếp tục là một hạn chế lớn và chưa có lời giải cụ thể khi Gói thầu 04 kết nối hệ thống công nghệ toàn TTCK Việt Nam vẫn chưa có thời hạn hoàn tất.
Tiêu chí khó thứ ba là giới hạn sở hữu đầu tư nước ngoài. Ngày 31/8/2021, Cổng Thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài”, tạo căn cứ để biết doanh nghiệp có được định danh trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không; tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu. Văn bản này làm sáng tỏ những quy định về hạn chế đầu tư với khối ngoại trong Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), nhưng lại chưa giải quyết được vấn đề quan trọng nhất mà nhà đầu tư ngoại mong đợi ở nền tảng pháp lý tại Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tiêu chí “Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin Tiếng Anh và room sở hữu” cũng cần thêm nhiều thời gian mới có thể hiện thực được khi thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết vẫn chỉ công bố thông tin bằng tiếng Việt. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chưa thể tiếp cận bình đẳng về thông tin khi doanh nghiệp niêm yết vẫn lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc UBCK tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để TTCK Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Có thể thấy, việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường nằm chính ở các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng thị trường như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp; cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp... Đây là những công việc cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị; và đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, dù kỳ vọng ngày nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ đến, nhưng cũng cần nhìn bản chất vấn đề để thấy, nâng hạng không thể là tương lai gần. Với nhà đầu tư đại chúng, hoạt động đầu tư, kinh doanh trên TTCK Việt Nam vẫn cần căn cứ vào cái gốc là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, còn thông tin nâng hạng trong một vài năm tới chỉ nên coi là “hương vị” cho kỳ vọng thêm phần lạc quan.