Bắc Ninh: Ban hành thủ tục giải quyết Tố cáo tại cấp tỉnh

Thứ tư, 06/11/2019 14:20
(ThanhtraVietNam) – Ngày 04/11/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 1825/QĐ-UBND về việc công bố danh mục thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực giải quyết tố cáo (TC) thuộc thẩm quyền giải quyết tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Trong đó, tại cấp tỉnh, có 02 hình thức TC, gồm: TC được thực hiện bằng đơn (gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết); TC cáo được trình bày trực tiếp với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định giải quyết TC là Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở. Cơ quan trực tiếp thực hiện là Thanh tra tỉnh; Thanh tra Sở; các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở.

Thời hạn giải quyết, quy trình thực hiện giải quyết TC tại cấp tỉnh gồm 04 bước.

Bước 1: Thụ lý TC

Trước khi thụ lý TC, UBND tỉnh xác minh hoặc giao cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh xác minh thông tin về người TC và điều kiện thụ lý TC. Trường hợp người TC không cư trú tại địa bàn quản lý hoặc gặp khó khăn trong việc xác minh thì người giải quyết TC có thể ủy quyền cho cơ quan nhà nước ngang cấp hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới xác minh thông tin cần thiết phục vụ việc ra quyết định thụ lý TC.

Người giải quyết TC ra quyết định thụ lý TC khi có đủ các điều kiện sau: TC được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo 2018; người TC có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật; vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết TC của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận TC; nội dung TC có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp TC xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang TC người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý TC khi người TC cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.  

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý TC, người giải quyết TC có trách nhiệm thông báo cho người TC và thông báo về nội dung TC cho người bị TC biết.

 Bước 2: Xác minh nội dung TC

 UBND tỉnh tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan Thanh tra tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh xác minh nội dung TC (gọi chung là người xác minh nội dung TC). Việc giao xác minh nội dung TC phải thực hiện bằng văn bản.

Trường hợp người giải quyết TC giao cho cơ quan Thanh tra tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh xác minh nội dung TC thì văn bản giao xác minh nội dung TC thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Tố cáo.

Văn bản giao xác minh nội dung TC có các nội dung chính sau đây: Ngày, tháng, năm giao xác minh; người được giao xác minh nội dung TC; họ tên, địa chỉ của người bị TC; tên gọi, trụ sở của cơ quan, tổ chức bị TC; nội dung cần xác minh; thời gian tiến hành xác minh; quyền và trách nhiệm của người được giao xác minh nội dung TC.

Người xác minh nội dung TC phải tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung TC. Thông tin, tài liệu thu thập phải được ghi chép thành văn bản, khi cần thiết thì lập thành biên bản, được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc TC. 

Trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung TC phải tạo điều kiện để người bị TC giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung cần xác minh.  

Người xác minh nội dung TC được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản 1 và các điểm a, b, c Khoản 2 Điều 11 của Luật Tố cáo 2018 theo phân công của người giải quyết TC.

Kết thúc việc xác minh nội dung TC, người được giao xác minh phải có văn bản báo cáo người giải quyết TC về kết quả xác minh nội dung TC và kiến nghị biện pháp xử lý.

leftcenterrightdel
 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo làm việc tại Bắc Ninh tháng 3/2019 (ảnh internet)

Bước 3: Kết luận nội dung TC

Theo quy định tại Điều 35 Luật Tố cáo 2018 và Điều 17 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP: Căn cứ vào nội dung TC, giải trình của người bị TC, kết quả xác minh nội dung TC, tài liệu, chứng cứ có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kết luận nội dung TC.

Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung TC, người giải quyết TC gửi kết luận nội dung TC đến người bị TC, cơ quan, tổ chức quản lý người bị TC và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung TC đến người TC.

Bước 4: Xử lý kết luận nội dung TC

 Theo quy định tại Điều 36 Luật Tố cáo 2018 và Điều 18 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP: Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung TC, người giải quyết TC căn cứ vào kết luận nội dung TC tiến hành việc xử lý như sau:

a) Trường hợp kết luận người bị TC không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị TC bị xâm phạm do việc TC không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật;

b) Trường hợp kết luận người bị TC vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hành vi vi phạm của người bị TC có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung TC có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết TC về kết quả xử lý.  

 Người giải quyết TC có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung TC./.

Minh Nguyệt

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra