Theo Thông tư 19/2017/TT-BTTTT quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành thông tin và truyền thông, bí mật nhà nước trong ngành thông tin và truyền thông gồm: Tin, tài liệu về vụ việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói, hồ sơ và các nội dung liên quan khác được quy định tại danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật và danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành thông tin và truyền thông; tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong ngành thông tin và truyền thông đang quản lý, sử dụng, lưu giữ trong quá trình phối hợp công tác.
Thông tư cũng nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm: Thu thập, lưu giữ, chuyển giao, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành thông tin và truyền thông; Trao đổi, cung cấp tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; in, sao, chụp tài liệu có nội dung bí mật nhà nước khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân; Truyền đưa nội dung bí mật nhà nước chưa mã hóa qua các thiết bị điện tử hoặc qua các dịch vụ bưu chính, viễn thông và các phương tiện truyền thông khác.
Bên cạnh đó, cấm soạn thảo, lưu trữ, trao đổi, sao chụp tin, tài liệu mật trên máy tính, thiết bị có kết nối Internet hoặc có kết nối với các thiết bị khác có kết nối Internet; sử dụng các thiết bị có tính năng ghi âm, ghi hình, thu phát tín hiệu và thực hiện việc ghi âm, ghi hình trong các cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước khi chưa được người chủ trì cuộc họp cho phép.
Thông tư cũng quy định, cá nhân được giao nhiệm vụ tiếp xúc dưới mọi hình thức với bí mật nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, và phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước bằng văn bản. Văn bản cam kết bảo vệ bí mật nhà nước được lưu hồ sơ nhân sự của cơ quan, đơn vị chủ quản.
Cá nhân được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý, lưu trữ, quản lý tài liệu mật, quản lý các dấu mật và đóng dấu độ mật, dấu thu hồi vào văn bản theo sự chỉ đạo của người có thẩm quyền phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bằng cách lập danh sách ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác và ký tên vào danh sách.
Cá nhân được tiếp xúc (nghe phổ biến, nghiên cứu, sử dụng) với tin tức, tài liệu độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bằng cách lập danh sách ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, những nội dung bí mật được tiếp xúc và ký tên vào danh sách. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân được ủy quyền chịu trách nhiệm lập danh sách này, cùng ký tên và nộp lưu hồ sơ nhân sự của cơ quan, đơn vị chủ quản.
Theo thông tư, Mọi nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong ngành thông tin và truyền thông chuyển nhận bằng các phương tiện truyền thông đều phải mã hóa theo quy định của pháp luật về cơ yếu. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong ngành thông tin và truyền thông có quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài không được tự ý tiết lộ bí mật nhà nước. Khi tiến hành chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ nếu có yêu cầu phải cung cấp những tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ theo nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia; Chỉ được cung cấp những thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Văn phòng Bộ là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc kiểm tra, báo cáo công tác bảo vệ bí mật nhà nước, định kỳ 02 năm một lần hoặc khi có chỉ đạo của Bộ trưởng. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các quy định bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan, đơn vị. Công chức, viên chức, người lao động của Bộ khi phát hiện vấn đề có dấu hiệu lộ, lọt bí mật nhà nước phải kịp thời báo cáo Chánh Văn phòng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đề xuất trình Bộ trưởng có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/ 2017.
H.T