Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc thực hiện Kết luận thanh tra trong CAND

Thứ năm, 05/09/2019 14:24
(ThanhtraVietNam) - Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 29/2019/TT-BCA quy định việc thực hiện kết luận thanh tra trong Công an nhân dân nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác xử lý sau thanh tra, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Thực tế cho thấy, công tác thanh tra đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, là phương thức phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua công tác thanh tra đã kiến nghị nhiều nội dung giúp cơ quan quản lý và đối tượng thanh tra tăng cường công tác quản lý nhà nước; chấn chỉnh việc áp dụng, thực hiện không đúng các quy định về chế độ, chính sách, pháp luật, đồng thời tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục, phòng ngừa những sơ hở, thiếu sót trong việc chỉ đạo, ban hành cơ chế quản lý, chính sách theo thẩm quyền được giao. Do vậy, việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra và chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngày 27/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2015/NĐ-CP quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra và việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm mọi kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để.

Trong những năm qua, Bộ Công an đã quan tâm chỉ đạo về công tác xử lý sau thanh tra, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Thực tiễn cho thấy, quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác xử lý sau thanh tra trong Công an nhân dân còn có khó khăn, vướng mắc, như: Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm tham mưu của cơ quan thanh tra với Thủ trưởng cùng cấp trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của cơ quan thanh tra và của Thủ trưởng cấp trên; Khoản 5 Điều 22, Khoản 4 Điều 23 và Khoản 6 Điều 24 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP quy định việc công khai kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, nhưng nhiều kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, chưa có quy định cụ thể về hình thức công khai... Mặt khác, do chưa có quy định cụ thể nên Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương chưa thực hiện thống nhất về trình tự, thủ tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện kết luận thanh tra, ngày 30/8/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 29/2019/TT-BCA quy định việc thực hiện kết luận thanh tra trong Công an nhân dân. Thông tư gồm 04 chương, 17 điều, quy định trách nhiệm của Thủ trưởng, của đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân trong việc thực hiện kết luận thanh tra và hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra do Thủ trưởng Công an có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong Công an nhân dân ban hành. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2019, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trong Công an nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh./.

Lê Văn Phong - Thanh tra Bộ Công an

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra